Fecon (FCN): Phó Chủ tịch thường trực đăng ký bán 350.000 cổ phiếu

Fecon (FCN): Phó Chủ tịch thường trực đăng ký bán 350.000 cổ phiếu

(ĐTCK) Ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch thường trực CTCP Fecon (mã chứng khoán FCN - sàn HOSE) mới thông báo về việc đăng ký bán 350.000 cổ phiếu FCN nhằm thực hiện nhu cầu tài chính cá nhân.

Giao dịch được thực hiện từ ngày 11/01/2024 đến ngày 09/02/2024 theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Thắng sẽ giảm sở hữu tại Fecon từ 631.461 cổ phiếu xuống chỉ còn 281.461 cổ phiếu.

Chiếu theo mức giá đóng cửa ngày 08/01 của FCN là 14.900 đồng/CP, ước tính ông Thắng có thể thu về hơn 5,2 tỷ đồng từ số cổ phiếu trên.

Về phía Fecon, cũng trong ngày 08/01, Công ty đã công bố kết quả đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ với tổng số lượng trái phiếu đã phát hành là 1.260 trái phiếu (trong tổng số 1.500 trái phiếu đăng ký) với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, qua đó huy động thành công 126 tỷ đồng.

Mã trái phiếu là FCNH2325001 kỳ hạn 18 tháng, lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn của trái phiếu là 11%. Kỳ hạn trả lãi là 3 tháng/lần. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của Công ty. Mục đích phát hành đợt trái phiếu là cơ cấu lại nợ của Công ty.

Ở một diễn biến khác, vào cuối tháng 10/2023, Fecon đã công bố nghị quyết HĐQT về việc lùi thời gian thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền sang quý I/2024. Công ty cho biết, do diễn biến của thị trường xây dựng chung không thuận lợi khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và cân đối thu chi của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm 2023.

Cụ thể, tiến độ triển khai một số dự án lớn từ đầu năm 2023 bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến nên ảnh hưởng đến việc chào thầu, dẫn đến kéo dài việc ký kết hợp đồng, sản lượng thi công đạt thấp, dòng tiền thu hồi được vì vậy cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, việc tăng lãi suất cuối năm 2022 khiến chi phí lãi vay tăng cao, cộng hưởng với khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng bị cơ quan chức năng kiểm soát và siết chặt nên dòng tiền thu được từ đó cũng khó khăn hơn.

Tin bài liên quan