Trong đó, Quỹ đầu tư hạ tầng Red One (nhà đầu tư trong nước) mua 16 triệu cổ phiếu, số còn lại được bán cho Công ty CP Raito Kogyo (nhà đầu tư nước ngoài). Sau đợt chào bán, tỷ lệ cổ phiếu sở hữu của hai nhà đầu tư này lần lượt là 10,16% và 25,51%. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Hai nhà đầu tư này được xem là hai mảnh ghép hoàn hảo cho FECON thực hiện thành công chiến lược 2020-2025, trong khi Raito Kogyo là nhà đầu tư cùng ngành sở hữu các công nghệ hàng đầu Nhật Bản về nền móng, công trình ngầm và hạ tầng, thì Red One là mảnh ghép mạnh về tài chính sở hữu mạng lưới đối tác tài chính quốc tế hùng hậu.
Như vậy, với việc chào bán thành công 32 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của FECON tăng từ 1.254 tỷ đồng lên 1.574 tỷ đồng; tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành tăng từ 125.4 triệu lên 157.4 triệu đơn vị.
Theo đại diện FECON, mục đích phát hành thêm nhằm bổ sung nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực về vốn để kịp thời thực hiện các kế hoạch đầu tư kinh doanh đã đặt ra của Công ty.
FECON có kế hoạch dùng 216 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và 200 tỷ để trả nợ các khoản vay nhằm giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
Mới đây, FECON công bố trúng hàng loạt gói thầu trong tháng 10 và 11 với tổng giá trị hơn 740 tỷ đồng, nâng tổng doanh số ký hợp đồng tính đến hiện tại lên hơn 4.100 tỷ đồng (bao gồm các hợp đồng chuyển tiếp năm 2020).
Hai quý đầu năm, FECON liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng 38,9% so với cùng kỳ 2020. Kết thúc Quý 3, mặc dù chịu tác động bởi đợt giãn cách xã hội trên diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động thi công tại các dự án, tuy nhiên FECON vẫn ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu thuần 868 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 20 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FECON ghi nhận 2.209 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 71 tỷ đồng.
Được biết, kết quả kinh doanh tích cực nói trên đến từ sự đóng góp của các dự án điện gió FECON triển khai trong vai trò tổng thầu C.BoP như: Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình (tổng giá trị trúng thầu 1.392 tỷ đồng), Điện gió Thái Hoà (tổng giá trị 276 tỷ đồng), Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (tổng giá trị 440 tỷ đồng), Điện gió Trà Vinh V1.3 ( trị giá trên 400 tỷ đồng)…
Với kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như các dự án năng lượng tái tạo mà FECON sở hữu, trong vòng 5 tháng qua, cổ phiếu FCN ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ mức giá thấp nhất là 10.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) lên trên 21.000 đồng, tương ứng mức tăng hơn 100%. Tính đến 30/11, giá trị vốn hóa của FECON đạt hơn 3.300 tỷ đồng.
Giữa tháng 11/2021, FECON đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%. Thời gian thanh toán dự kiến vào 30/12/2021.