Công đoạn sản xuất tại Piaggio - một trong những doanh nghiệp FDI tiêu biểu của Vĩnh Phúc.

Công đoạn sản xuất tại Piaggio - một trong những doanh nghiệp FDI tiêu biểu của Vĩnh Phúc.

FDI với sự phát triển không đều giữa các địa phương - kỳ 1

Thực tế cho thấy, những địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, làm nảy sinh tình trạng phát triển không đều giữa các vùng. Nếu không có giải pháp khắc phục thì có khả năng nới rộng khoảng cách này, kéo theo hệ lụy đến quá trình phát triển đất nước.
-I- 

Bình Dương và Bình Phước được tách từ tỉnh Sông Bé cách đây 20 năm. Trong khi Bình Dương là một trong những địa phương thành công trong thu hút FDI, nên đã phát triển kinh tế với tốc độ cao, thì Bình Phước dựa chủ yếu vào đầu tư trong nước. Do đó, trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh khá chênh lệch.

Nếu như năm 1997, Bình Dương mới có 6 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 800 ha, thì đến nay đã có 29 KCN và 8 cụm công nghiệp với diện tích 10.000 ha, trong đó KCN Việt Nam - Singapore được coi là KCN kiểu mẫu.

Cùng với phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, Bình Dương tập trung phát triển đô thị, đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, cải thiện môi trường đầu tư và đến năm 2016 đã tiếp nhận trên 25 tỷ USD vốn FDI đăng ký và gần 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước. Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu các địa phương thu hút FDI, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 14,5%, giá trị sản lượng của các ngành kinh tế gia tăng nhanh chóng, cơ cấu kinh tế biến đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện nay đã trở thành tỉnh công nghiệp.

Bình Dương đang tiến hành xây dựng đô thị thông minh với quy hoạch kiến trúc hiện đại, có nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu của dân cư địa phương cũng như du khách trong nước và nước ngoài.

Bình Phước có điều kiện địa lý không thuận lợi như Bình Dương, nên thu hút FDI chưa nhiều, tính đến năm 2016 đạt 1,25 tỷ USD vốn đăng ký. Từ khi tái lập tỉnh, Bình Phước chủ yếu dựa vào đầu tư trong nước.

Từ năm 2010 đến nay, Bình Phước đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến đầu tư, nên đã tiếp nhận được một lượng vốn từ các địa phương khác, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 đạt bình quân 10,8%/năm; GRDP năm 2015 đạt 10.150 tỷ đồng, tăng 1,67 lần so với 2010 (giá so sánh 1994), GRDP/người từ 24 triệu đồng tăng lên 42,8 triệu đồng, tương đương 1.994 USD.

Cơ cấu kinh tế năm 2015 của Bình Phước là: công nghiệp và xây dựng 32,2%, dịch vụ 29,3%, nông lâm ngư nghiệp 38,5%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước thực hiện 4.150 tỷ đồng, trong khi chi ngân sách 7.128 tỷ đồng. So với Bình Dương, GRDP của Bình Phước chỉ bằng 6%, thu ngân sách bằng 8%. Trong khi Bình Dương thuộc các tỉnh, thành phố điều tiết cho ngân sách Trung ương, thì Bình Phước vẫn phải nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

-II-

Phú Thọ và Vĩnh Phúc vốn thuộc tỉnh Vĩnh Phú, được tách thành hai cách đây 20 năm. Phú Thọ có những lợi thế hơn Vĩnh Phúc do có thành phố Việt Trì với khu công nghiệp và cảng sông. Năm 1997, Phú Thọ thu ngân sách 300 tỷ đồng, gấp ba lần Vĩnh Phúc.

Từ khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã tận dụng lợi thế sát Thủ đô, gần Sân bay quốc tế Nội Bài, nên đã thu hút FDI vào nhiều dự án quy mô lớn, tạo ra nguồn thu ngân sách ngày càng tăng, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã thay đổi khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa.

Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 1997-2016 đạt 15,37%. Năm 2016, quy mô nền kinh tế bằng 39,5 lần so với năm 1997, GRDP đạt  77.200 tỷ đồng, GRDP/người tăng 33,2 lần từ 2,18 triệu đồng lên 72,3 triệu đồng. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 1997 đạt 1.652 tỷ đồng thì năm 2016 tăng lên 125.210 tỷ đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, năm 1997: nông, lâm, ngư nghiệp 52%, dịch vụ 36%, công nghiệp và xây dựng  12%; năm 2016, các con số tương ứng là 10%, 27% và 63%.

Từ một tỉnh được ngân sách trung ương trợ cấp, năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối và  điều tiết cho ngân sách Trung ương; năm 2009 thu ngân sách vượt mốc 10.000 tỷ đồng; năm 2016 đạt 28.500 tỷ đồng. Với chủ trương tập trung phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, hiện Vĩnh Phúc đã tiếp nhận được 3,9 tỷ USD vốn FDI đăng ký, phần lớn dự án đã đi vào sản xuất - kinh doanh.

Hiện nay, tỉnh có 19 KCN được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch với diện tích 5.500 ha, trong đó có 11 KCN với diện tích 2.300 ha đã được vận hành có hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp chủ yếu cho ngân sách và  xuất khẩu của tỉnh, tiêu biểu là Toyota, Honda, Piaggio, Daewoo Bus, tập đoàn Prime, thép Việt Đức... Các doanh nghiệp FDI của Vĩnh Phúc chủ yếu cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước, nên kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 1,5 tỷ USD.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ nông dân, huy động các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Phú Thọ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 8,69%/năm, do đó quy mô nền kinh tế của tỉnh năm 2016 gấp 5 lần năm 1997. Giá trị sản lượng công nghiệp năm 2016 bằng 8,4 lần năm 1997, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc và đứng thứ 3 của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, Phú Thọ đã khai thác được lợi thế so sánh của mình về 5 ngành là chế biến nông, lâm sản thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, hàng may mặc xuất khẩu; đã quy hoạch 7 KCN tập trung với diện tích hơn 2.156 ha (trong đó có 4 KCN đã và đang thu hút đầu tư) và 25 cụm công nghiệp với diện tích 1.100 ha; đã thu hút được 33.500 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và 660 triệu USD vốn FDI.

Năm 2016, thu ngân sách đạt 4.400 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 1997; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng, tăng 14,5 lần so với năm 1997. Dù vậy, so với Vĩnh Phúc, trình độ phát triển của Phú Thọ kém hơn. GRDP/người của Vĩnh Phúc bằng 2,17 lần, thu ngân sách bằng 6,47 lần Phú Thọ.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan