Hình thành các khu kinh tế
Từ cuối năm 1997, Chính phủ chủ trương nghiên cứu để xây dựng đặc khu kinh tế ở nước ta. Có 11 địa điểm được đưa vào danh sách lựa chọn, cuối cùng, Chu Lai (Quảng Nam) được phép xây dựng khu kinh tế (KKT) mở đầu tiên với nhiều chính sách mới có tính thử nghiệm.
KKT mở Chu Lai được thành lập tháng 6/2003, gồm khu thuế quan và khu phi thuế quan. Khu phi thuế quan (khu cảng tự do) gắn với Cảng Kỳ Hà, sản xuất hàng xuất khẩu và phục vụ xuất khẩu tại chỗ (gia công, chế tác), thương mại hàng hóa (xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, phân phối, siêu thị bán lẻ), thương mại dịch vụ (phân loại, đóng gói, vận chuyển, giao nhận hàng hóa quá cảnh, bảo quản, kho tàng, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vui chơi, giải trí, nhà hàng ăn uống) xúc tiến thương mại (giới thiệu sản phẩm, hội chợ triển lãm; chi nhánh, văn phòng đại diện của các công ty trong nước và nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức tài chính, ngân hàng) và các hoạt động thương mại khác.
Tính đến cuối năm 2016, KKT mở Chu Lai đã có 112 dự án đầu tư với vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, 75 dự án đã đi vào hoạt động với vốn thực hiện 970 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh ở mức trung bình 65%; đã tạo ra một số sản phẩm công nghiệp chính như ô tô, hàng điện tử, kính xây dựng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, từng bước hình thành diện mạo của một khu kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó có Khu phức hợp ô tô Trường Hải.
Hiện nay, nước ta có 16 KKT ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha (chưa tính 21 KKT cửa khẩu); trong đó, 3 KKT đã được Chính phủ quyết định chuyển thành đặc khu kinh tế, là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Ngoài ra, còn có 2 KKT tại Thái Bình và Nam Định đã có trong quy hoạch, nhưng chưa được thành lập.
Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 16 KKT đã có 14 khu công nghiệp (KCN), khu phi thuế quan đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất tự nhiên 4.000 ha và 20 KCN, khu phi thuế quan đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản, với tổng diện tích đất tự nhiên 3.500 ha.
Do các KKT có diện tích lớn và mới được thành lập, nên phần lớn đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật, một số tuyến đường giao thông chính, hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc, khu tái định cư, hạ tầng KCN đã được hoàn thành, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển của địa phương.
Vốn FDI trong KCN và KKT chiếm khoảng 80% tổng vốn FDI đầu tư vào ngành công nghiệp nước ta. Doanh thu của các doanh nghiệp KCN và KKT năm 2016 đạt 145 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 88 tỷ USD, chiếm 51% tổng kim ngạch xuất khẩu; nộp ngân sách khoảng 105.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2,85 triệu người với thu nhập bình quân 6 - 10 triệu đồng/người/tháng, góp phần hình thành đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao.
Mặc dù vậy, thu hút FDI vào KKT còn ít, chưa thực đáp ứng yêu cầu; một số địa phương và ban quản lý ưu tiên cho việc lấp đầy diện tích công nghiệp, nên chưa chú trọng cơ cấu ngành nghề, công nghệ, yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu.
Những vướng mắc về giá đất và vật liệu xây dựng tăng cao đã tác động trực tiếp tới tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào KKT.
Công tác xúc tiến đầu tư vào KKT, KCN hiệu quả cao, còn dập khuôn, thiếu gắn kết với lợi thế từng địa phương, chưa có sự chỉ đạo thống nhất hoạt động xúc tiến ở từng thị trường, dẫn đến tình trạng có quá nhiều đoàn Việt Nam tới một nước trong cùng thời gian.
Các cơ quan nhà nước chưa phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát, thiếu chế tài xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.
Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân chưa hấp dẫn các doanh nghiệp, nên phần lớn người lao động thuê nhà ở do các hộ dân xây dựng trong tình trạng thiếu nhiều tiện nghi, tiện ích, chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KKT, KCN trong một số lĩnh vực chưa được thực hiện nhất quán trên cả nước do có sự không thống nhất với các quy định của pháp luật chuyên ngành; các bộ còn thiếu hướng dẫn chủ trương phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý.
Chính sách ưu đãi đối với các KKT, KCN hay thay đổi, thiếu ổn định, mức ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư.
Một số gợi mở về định hướng chính sách đối với KKT, KCN
Định hướng mới và chính sách đối với KKT, KCN cần tập trung giải quyết một số vấn đề đã được trình bày trên đây, coi trọng việc khắc phục tình trạng phát triển không đều giữa các địa phương, ưu tiên xây dựng KCN ở những địa phương kém phát triển với chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, trước hết là các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, tiếp đó là nhà đầu tư nước ngoài.
1) Đối với KKT, KCN hiện có
Tiến hành khảo sát, phân loại theo tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội và sự phù hợp với định hướng, chính sách mới để tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội những khu có điều kiện phát triển; loại bỏ những khu chưa xây dựng và không có điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Ban quản lý có trách nhiệm giám sát nhà đầu tư hạ tầng KKT, KCN thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các công trình xây dựng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, hướng dẫn việc thu phí thuê đất, nhà xưởng và dịch vụ khác để hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong khu.
Chính phủ cần có cơ chế huy động các nguồn vốn như ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường tính chủ động của địa phương trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ các dự án động lực để tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT, KCN.
2) Đối với việc thành lập KKT, KCN mới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xây dựng tiêu chí kinh tế - kỹ thuật đối với KKT, KCN đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn mới để làm cơ sở quyết định việc thành lập KKT, KCN mới, tránh tình trạng tùy tiện, cảm tính.
Đối với những địa phương đã có nhiều KCN thì chỉ được thành lập thêm KCN mới khi các KCN đã có được lấp đầy ít nhất 70% đất công nghiệp nhằm tránh lãng phí đất đai.
Ưu tiên phát triển thêm ở những địa phương còn quá ít KCN với chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời có chính sách ưu đãi cao, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư hạ tầng KCN, cũng như các dự án xây dựng nhà máy sản xuất, cơ sở dịch vụ.
3) Chính sách và cơ chế
Hoàn thiện thể chế theo hướng đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các ngành, lĩnh vực với các quy định về quản lý KKT, KCN; phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KKT, KCN.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và Ban Quản lý các KCN tỉnh Thái Bình kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xây dựng Luật Khu kinh tế, Khu công nghiệp để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của KKT, KCN. Trên cơ sở đó, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất và hoàn chính.
4) Quản lý nhà nước
Xây dựng quy hoạch KKT, KCN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở.
Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo đủ thẩm quyền và nguồn lực để quản lý KKT, KCN theo hướng một cửa, một đầu mối và tương xứng với vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của các đơn vị này; phân cấp đủ quyền hạn và trách nhiệm cho Ban Quản lý, thay thế cơ chế ủy quyền đang được áp dụng hiện nay đã tỏ ra có một số nhược điểm cần khắc phục.
Nâng cao năng lực quản lý và đầu tư công nghệ quan trắc môi trường cho các cơ quan liên quan đến KKT, KCN để có đầy đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý KKT, KCN theo các chuyên ngành và lĩnh vực để nâng cao trình độ cán bộ quản lý, bảo đảm sự thống nhất trên phạm vi cả nước trong việc thực hiện chức năng của Ban Quản lý KKT, KCN.
KKT, KCN đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, do đó, từ kinh nghiệm thành công và thất bại của quá trình hình thành và phát triển, cần đề ra định hướng và chính sách mới để thu hút nhiều hơn và có hiệu quả hơn vốn FDI và vốn đầu tư trong nước. Xây dựng, triển khai quy hoạch KKT, KCN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở.
Xây dựng, triển khai quy hoạch KKT, KCN gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch nhà ở.
Hiện nay, nước ta có 16 KKT ven biển với diện tích mặt đất và mặt nước là 730.553 ha; trong đó, 3 KKT đã được Chính phủ quyết định chuyển thành đặc khu kinh tế.