Phát triển khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN)
Lịch sử phát triển KCN và Khu kinh tế (KKT) bắt đầu từ KCX Tân Thuận, được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) cấp phép cho một doanh nghiệp Đài Loan liên doanh với một doanh nghiệp nhà nước Việt Nam để thành lập Công ty TNHH Tân Thuận (TTC) xây dựng hạ tầng KCX trên diện tích 300 ha (năm 1991).
Đến nay, KCX đã thu hút 130 doanh nghiệp nước ngoài tham gia với vốn đầu tư trên 1 tỷ USD, sản xuất hàng xuất khẩu, đã hình thành khu e-office rộng 40 ha, khu vườn ươm công nghệ phần mềm, khu văn phòng và dịch vụ. KCX Tân Thuận được đánh giá là một trong các KCX thành công ở châu Á.
Sau đó, SCCI còn cấp phép cho 2 KCX khác là KCX Linh Trung (đã đổi thành KCN) và KCX Hải Phòng (đã giải thể).
Sự phát triển nhanh và rộng khắp cả nước của các KCN (và cụm công nghiệp) là thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại
Trong khi đó, KCN được phát triển từ khi Chính phủ ban hành Nghị định về khu công nghiệp vào cuối năm 1994, để khắc phục tình trạng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước kém phát triển, trong khi vốn đầu tư có hạn, chỉ có thể tập trung đầu tư trong và ngoài KCN nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Từ đầu thế kỷ XXI, KCN được phát triển nhanh và khắp các địa phương, do đó phần lớn KCN của nước ta có lịch sử khoảng 15 năm.
KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) là KCN được thành lập theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đồng tình. VSIP Bình Dương làm lễ động thổ ngày 14/5/1996 với sự chứng kiến của hai vị Thủ tướng. Các VSIP đã được thành lập tại nhiều địa phương như Bắc Ninh (2007), Hải Phòng (2010), Quảng Ngãi (2013), Hải Dương và Nghệ An (2015).
Từ KCN truyền thống, VSIP đã trở thành khu liên hợp đô thị - công nghiệp với giải pháp quy hoạch tổng thể hạ tầng bền vững đô thị kiểu mới. Đến nay, VSIP đã thu hút 690 nhà đầu tư nước ngoài, với 7,1 tỷ USD, tạo ra khoảng 180.000 việc làm.
Sự phát triển nhanh và rộng khắp cả nước của các KCN (và cụm công nghiệp) là thành tựu nổi bật trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, tạo việc làm cho nhiều triệu lao động, nâng cao mức sống của các tầng lớp dân cư, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của từng địa phương và cả nước...
GS-TSKH Nguyễn Mại
Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của các KCN hiện nay, có thể nhận thấy một số vấn đề.
Thứ nhất, sự phát triển không đều giữa các địa phương. Có tỉnh, thành phố có 10 - 30 KCN, thu hút được lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư trong nước khá lớn, trong khi có tỉnh miền núi chỉ có vài KCN, nhưng rất ít dự án đầu tư.
Thứ hai, vẫn còn 1/3 số KCN chưa đưa vào hoạt động, trong đó có những KCN không có dự án đầu tư, gây lãng phí đất đai, tiền vốn xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, nhiều KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn, tình trạng gây ô nhiễm môi trường còn khá nghiêm trọng.
Thứ tư, chưa chú trọng xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viên, chợ và siêu thị, khu vui chơi giải trí.
Đồng Nai là tỉnh thành công trong thu hút FDI và xây dựng các KCN, với 32 KCN trên tổng diện tích 9.559 ha. Các KCN đã đầu tư 380 triệu USD và 6.637 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó 28 KCN đã có hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại, 4 KCN đang trong quá trình hoàn thiện. Các KCN đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi tiếp nhận dự án đầu tư. Đồng Nai đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các KCN do Hội đồng Thẩm định là các chuyên gia kinh tế bình chọn.
Đến cuối năm 2016, các KCN Đồng Nai đã tiếp nhận gần 21 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tổng số 24 tỷ USD FDI còn hiệu lực tại tỉnh này, tạo việc làm cho gần 500.000 lao động, trong đó 92% thuộc khu vực FDI, 61% là nữ và hơn 60% là từ ngoài tỉnh, góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại: tỷ trọng công nghiệp và xây dựng 56,7%, dịch vụ 37,7%, nông - lâm - ngư nghiệp 5,6%; thu nhập trên 3.100 USD/người/năm, thu ngân sách đạt hơn 40.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất của khu vực FDI là 12,727 tỷ USD, chiếm 83,4% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều sáng kiến và kinh nghiệm trong xây dựng các KCN.
Một là, các KCN chủ yếu được sử dụng từ đất đồi bạc màu, không phải là đất chuyên trồng lúa và không có khoáng sản, dân cư thưa thớt.
Hai là, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của các KCN hiện nay đạt khoảng 70%, trong đó có nhiều KCN đạt 80 - 90%, như Biên Hòa II, Amata, Loteco, Tam Phước, Hố Nai, Sông Mây, Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch II…
Ba là, coi trọng xây dựng nhà ở, trường học, siêu thị, khu vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là lao động ngoài tỉnh.
Bốn là, thực hiện dịch vụ một cửa thông qua Công ty Sonadezi (hiện nay là Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Đồng Nai).
Đầu tư khu công nghệ cao
Nước ta có 3 khu công nghệ cao (KCNC) là Hòa Lạc (Hà Nội), TP.HCM và Đà Nẵng, trong đó KCNC Đà Nẵng đang trong quá trình xây dựng.
KCNC Hòa Lạc được thành lập cuối năm 1998 trên diện tích 1.586 ha, được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và khu chức năng như khu công nghệ phần mềm, khu nghiên cứu và phát triển (R&D), khu giáo dục - đào tạo, khu công nghiệp công nghệ cao, khu trung tâm hành chính, khu nhà ở và khu giải trí.
Đến cuối năm 2016, KCNC Hòa Lạc có 78 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 60.018,97 tỷ đồng, trên diện tích 346,56 ha, trong đó Trường đại học FPT (2.700 tỷ đồng), Khu phần mềm FPT (924 tỷ đồng), Trung tâm CNC Viettel (495 tỷ đồng), Tổ hợp nghiên cứu thiết kế chế tạo sản xuất thiết bị viễn thông Viettel (2.080 tỷ đồng), Trung tâm vũ trụ (12.300 tỷ đồng) sử dụng ODA của Nhật Bản.
Các khu công nghiệp tại Việt Nam
- Các KCN có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 88.600 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp là 60.200 ha, chiếm 67,8%;
- Có 218 KCN đã đi vào kinh doanh, với diện tích đất tự nhiên 59.500 ha; 98 KCN đang trong giai đoạn xây dựng,
với diện tích đất tự nhiên 28.900 ha.
-Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 29.800 ha,
chiếm 70% diện tích công nghiệp các KCN đã đưa vào
kinh doanh, chiếm 50% diện tích công nghiệp các KCN.
Một số dự án đang chuẩn bị triển khai như Nhà máy In tiền của Ngân hàng Nhà nước, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), Trường Đại học Việt - Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sử dụng ODA của Pháp.
Ban Quản lý đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 17 dự án, trong đó có 4 dự án FDI và 13 dự án trong nước; một số dự án không thể triển khai đang tiến hành các thủ tục giải thể.
Vì sao KCNC đầu tiên của nước ta sau gần 20 năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, thu hút được quá ít dự án đầu tư, nhất là dự án FDI? Để lý giải tình trạng đó, cần nhìn lại lịch sử của sự ra đời KCNC Hòa Lạc.
Sau khi nước ta gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, một thách thức lớn là trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn nhiều so với ASEAN-6
(Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Brunei), trong đó có công nghệ và giáo dục. Các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã chủ trương tập trung đầu tư xây dựng hai công trình lớn là KCNC và Trường đại học Quốc gia tại Hòa Lạc, đồng thời hình thành khu đô thị mới tại đó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra bước đột phá về giáo dục và công nghệ. Để nối liền Thủ đô với khu đô thị mới và hai dự án lớn đó, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) đã được xây dựng.
Những ai đã trực tiếp tham gia các cuộc họp về các dự án này đều nhận biết được ý tưởng và quyết tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao muốn nhanh chóng thực hiện các công trình có tầm cỡ quốc tế, mặc dù ngân sách và vốn đầu tư còn hạn hẹp. Đáng tiếc là, đường cao tốc đã hoàn thành, nhưng KCNC triển khai quá chậm, Trường đại học Quốc gia chuyển chủ đầu tư vài lần vẫn chưa có tiến triển.
Tình trạng trên gây lãng phí nghiêm trọng vốn đầu tư, đất đai và thời gian, tác động tiêu cực đến R&D, đổi mới công nghệ, tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới với công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguyên nhân chủ yếu là việc lựa chọn người đứng đầu Ban Quản lý dự án không đủ năng lực tổ chức và quản lý quá trình thực hiện; việc phân công và hợp tác giữa các bộ với chính quyền địa phương (trước đây là tỉnh Hà Tây, hiện nay là TP. Hà Nội) chưa tốt, không quy rõ trách nhiệm cá nhân khi phần lớn kế hoạch thời gian đều bị chậm trễ. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phải chịu trách nhiệm chính về sự chậm trễ này vì là người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý KCNC.
Câu chuyện KCNC Hòa Lạc cần được coi là điển hình về việc lãng phí thời gian của một đất nước đang cần tăng tốc trong quá trình phát triển.
Trong khi đó, KCNC TP.HCM được thành lập năm 2002, chậm hơn KCNC Hòa Lạc 4 năm, nhưng xây dựng cơ hạ tầng nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn, đã thu hút các tập đoàn lớn như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, Samsung..., với vốn FDI đăng ký là 5,576 tỷ USD và vốn thực hiện là 2,1 tỷ USD, trong đó có 46 dự án đang hoạt động tốt.
Giá trị sản lượng hằng năm của các doanh nghiệp tăng trưởng đều đặn, như năm 2011 đạt 1 tỷ USD, năm 2015 đạt 4,7 tỷ USD và năm 2016 đạt 5,2 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2016, KCNC này đạt kim ngạch xuất khẩu 17,268 tỷ USD, nhập khẩu 15,519 tỷ USD, nộp ngân sách 22,59 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 28.000 người.
Năm 2015, KCNC đã đầu tư 12 triệu USD cho các phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano, xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo; Trung tâm R&D khoa học - công nghệ, hợp tác với nhiều doanh nghiệp trong việc xây dựng, triển khai các nhiệm vụ; đã đưa ra thị trường chíp cảm biến MEMS, mỹ phẩm nano, sản phẩm cơ điện tử; một số sản phẩm đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
KCNC đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách hợp tác với các trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Ngoại ngữ Tin học, Cao đẳng Eishin - Nhật Bản, Đại học Kinh tế. Năm 2013, Microsoft thành lập Trung tâm Nghiên cứu sáng tạo Microsoft (SMIC) để triển khai các chương tình đào tạo nghiên cứu. Sắp đến, Đại học Fulbright, Hutech, Trung tâm Đào tạo Việt - Nhật, Việt - Hàn, các trung tâm R&D của doanh nghiệp như Samsung sẽ đi vào hoạt động.
Vườn ươm Doanh nghiệp đã đạt kết quả bước đầu, có 6 doanh nghiệp đứng vững được trên thương trường với nền tảng công nghệ mới (Acis, Gremsy, HoneyB, Home-Heathcare, Viotek, Robotic), tạo tiền đề tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng và lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm công nghệ cao của Thành phố.
Tuy vậy, các sản phẩm mới từ hoạt động R&D của KCNC còn kém một số nước Đông Nam Á; tỷ lệ kinh phí đầu tư cho R&D của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập về phát triển khoa học - công nghệ còn thấp. Tốc độ phát triển của KCNC còn chậm so với các KCNC, công viên khoa học - công nghệ ở khu vực Đông Nam Á…
Đánh giá hoạt động của hai KCNC ở hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là cần thiết để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc triển khai nhiều KCNC tại các địa phương có điều kiện.
(Còn tiếp)