Mối quan tâm lớn
Một lần nữa, như thông lệ, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tiếp tục đưa một đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Trong số này, vẫn là một loạt cái tên đình đám, như GE, Coca-Cola, ExxonMobil…
Ông Alexander Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN đã nói rằng, năm 2019 là năm có số doanh nghiệp Mỹ lớn nhất tham dự. Điều này chứng tỏ mối quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ tới thị trường Việt Nam ngày càng lớn. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế, các cơ hội tại thị trường đã đưa Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp Mỹ”, ông Alexander Feldman nói.
Và quả thực, số lượng các doanh nghiệp Mỹ tới Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Họ không chỉ quan tâm đến các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, mà còn là dầu khí, dịch vụ tài chính, y tế, công nghệ…
Thậm chí, mối quan tâm này còn được ông Michael Michalak, Giám đốc Khu vực của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN định lượng rằng, đã nhiều hơn so với cách đây 2 năm. Thế giới đang có sự chuyển dịch về chuỗi cung ứng, và Việt Nam đang xếp vị trí khá cao trong danh sách lựa chọn. “Chúng tôi ở đây vì tin tưởng vào Việt Nam và nhìn thấy cơ hội ở quốc gia này”, ông Michael Michalak nói.
Mối quan tâm của các doanh nghiệp Mỹ tới thị trường Việt Nam là điều không phải bàn cãi. Tháng 1/2019, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thụy Sỹ, hàng loạt nhà đầu tư Mỹ, từ Apple tới Adidas, Facebook… đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng. Điều đáng chú ý, đại diện các tập đoàn này đều khẳng định, Việt Nam là một trong những thị trường và địa điểm sản xuất quan trọng của họ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai, ông Micheal Kelly, Chủ tịch cấp cao của The Grand Hồ Tràm Strip cho rằng, thông qua việc xây dựng hình ảnh đất nước hòa bình và ổn định đi cùng với nền kinh tế thịnh vượng, Việt Nam ngày càng trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn.
“Việt Nam có căn cơ rất tốt nhờ dân số đông và trẻ, tỷ lệ biết chữ cao, nắm bắt nhanh nhạy về công nghệ mới, hạ tầng cải thiện và định giá tương đối thấp… Những điều này đã góp phần định vị Việt Nam là một điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư Mỹ và toàn thế giới”, ông Micheal Kelly nói.
Bao giờ là hiện thực?
Mỹ - với hơn 9 tỷ USD vốn đăng ký, vẫn luôn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Nhưng vị trí số 11 trong “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam cho thấy, những gì mà cả hai phía Mỹ và Việt Nam kỳ vọng đều chưa đạt được.
Ông Micheal Kelly đã nhiều lần khẳng định, con số thống kê nói trên là “quá ít”, bởi còn một phần khá lớn vốn đầu tư từ Mỹ được đăng ký qua nước thứ ba. Ngay cả Hồ Tràm, vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, dù ai cũng biết là của nhà đầu tư Mỹ, nhưng trên thực tế, lại được tính cho các nhà đầu tư Canada.
Nhìn vào số vốn đầu tư của Mỹ đổ vào Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy, con số còn khá khiêm tốn. Thậm chí, trong khi các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore dốc hàng tỷ USD vào Việt Nam trong vòng 1 năm, thì các nhà đầu tư Mỹ chỉ vỏn vẹn vài trăm triệu USD.
Kể từ năm 2014 đến nay, có lúc (năm 2012), Mỹ chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 224 triệu USD, xếp thứ 16 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, khác hẳn với tuyên bố về một vị thế “nhà đầu tư số 1”.
Liệu câu chuyện có thể khác hay không? Đây là câu hỏi đặt ra lâu nay và khi Việt Nam đang xây dựng định hướng mới về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó một trong những trọng tâm là thu hút đầu tư từ Mỹ, thì câu hỏi này càng được đặt ra rốt ráo hơn bao giờ hết. Có thể, trong cuộc gặp hôm nay với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một phần câu trả lời sẽ được đưa ra.
Nhiều kỳ vọng vẫn được đặt ra, nhất là sau các cuộc tiếp xúc song phương gần đây giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thông tin cho biết, Tổng thống Donald Trump đã rời Việt Nam sau khi chứng kiến các thỏa thuận thương mại trị giá tới 21 tỷ USD được ký kết giữa doanh nghiệp hai nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump sau khi hội đàm cũng nhất trí tiếp tục thảo luận về khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại - đầu tư phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại và tính chất của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Những kỳ vọng về một FTA song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đã được nhắc tới lâu nay. Liệu đây có thể trở thành cú hích cho dòng vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam?