“Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đưa kiến thức, kinh nghiệm phát triển nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam, nhằm kết hợp với lợi thế phát triển nông nghiệp của Việt Nam, để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp Nhật Bản”, vị lãnh đạo Tokyo Mitsubishi nói.
“Chúng ta có thể xây dựng các cụm liên kết ngành theo sản phẩm, xây dựng các quy trình về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam. Chúng tôi sẽ đưa các khách hàng của mình tới Việt Nam”, vị này nói.
Để có một bằng chứng xác thực, thì giữa tháng 5 vừa qua, hai công ty Always và Veggy của Nhật Bản cũng đã đến Vĩnh Phúc để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các dự án nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Gặp các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, hai nhà đầu tư này không ngần ngại chia sẻ, họ muốn phát triển một dự án chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên khoảng 1 triệu USD. Giai đoạn II, nhà đầu tư sẽ mở rộng quy mô từ 5-10 ha của giai đoạn I lên 50 ha, để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo kế hoạch, Always và Veggy sẽ liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam để triển khai dự án, vừa tận dụng máy móc, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm của chuyên gia Nhật Bản, vừa vẫn có thể tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có tại địa phương.
Không chỉ đến Vĩnh Phúc, một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã tìm đến Bình Định để tìm kiếm cơ hội để phát triển lĩnh vực đánh bắt, chế biến cá ngừ. Và mới đây, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của Việt Nam, nơi có nhiều tiềm năng trong phát triển các mặt hàng nông, thủy sản, như trái cây, tôm cá… để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Chính ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc Điều hành Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cũng đã khẳng định mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. “Các công ty Nhật đang thận trọng tiếp cận để tiến tới hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam và tôi hy vọng rằng, họ sẽ xây dựng và phát triển được những mối quan hệ kinh doanh tốt với các đối tác Việt Nam trong thời gian tới”, ông Hirotaka nói.
Cũng cần phải nhắc lại, trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 3 năm trước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch cũng đã khẳng định mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Nhật Bản. Kỳ vọng thu hút đầu tư của Nhật Bản vào nông nghiệp công nghệ cao để xuất khẩu sang nước thứ ba đã được đặt ra.
“Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, do vậy, chắc chắn chúng ta phải đẩy mạnh vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế. Nhưng vấn đề là, ngay cả người dân Việt Nam cũng chưa hoàn toàn tin tưởng thực phẩm Việt. Do vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng cao hơn, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi tạo được lòng tin đối với thị trường nội địa, thì chúng ta mới lấy đó làm thế mạnh để xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Hideo Okubo, Chủ tịch Tập đoàn Forval (Nhật Bản) đã nói như vậy khi được hỏi về xu hướng đầu tư của Nhật Bản vào nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Okubo, Forval mong muốn thiết lập được được bộ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam, giống như ở Nhật có bộ tiêu chuẩn JASS. “Những sản phẩm có tiêu chuẩn này sẽ khiến người dân có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng. Nếu chúng ta làm được điều đó, nông nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển hơn nữa”, ông Okubo nói.