Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2015, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam là 17,15 tỷ USD
Nói vậy là bởi, những tháng đầu năm nay, khi vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu suy giảm, không ít quan điểm nghi ngờ về sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, cho dù trên thực tế, vốn FDI giảm chủ yếu là do các dự ánquy mô lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa được cấp chứng nhận đầu tư.
Và đúng như dự báo, ngay sau khi có 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư (Samsung Dispay tăng vốn thêm 3 tỷ USD; Nhiệt điện Duyên hải 2 - 2,4 tỷ USD; Thành phố Đế Vương - 1,2 tỷ USD), vốn FDI (bao gồm cả cấp mới và tăng thêm) trong 9 tháng qua đã vọt lên 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014, xóa tan mọi quan ngại về xu hướng sụt giảm vốn FDI vào Việt Nam.
Cần phải nhắc lại rằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nhiều lần khẳng định, đánh giá về FDI phải cho giai đoạn 5 năm mới phù hợp, chứ không phải là so với cùng kỳ năm trước. Xem tiếp trang 3Lý do dễ hiểu, thu hút FDI chẳng khác nào chuyện “bắc nước chờ gạo người”. Việt Nam làm hết mình để tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất để thu hút FDI, nhưng quyết định đầu tư hay không còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài, với rất nhiều suy tính kỹ lưỡng: từ chiến lược đầu tư của tập đoàn mẹ, tới những quan ngại về rủi ro khi đầu tư ra nước ngoài trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn…
Chuyện những năm qua, ví dụ năm 2013, vốn FDI tăng cao là do năm đó đúng vào “điểm rơi” cho các quyết định đầu tư của hàng loạt tập đoàn lớn, sau một thời gian nghiên cứu, đeo đuổi.
Cùng với góc nhìn tương tự, sẽ có thể an tâm hơn về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới, khi ngoài 3 dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư trong 9 tháng qua, còn khá nhiều dự án quy mô lớn khác, đặc biệt trong ngành điện, đang chờ được cấp chứng nhận đầu tư. Thậm chí, chỉ một Dự án Lọc hóa dầu Victoria Nhơn Hội (Bình Định) được cấp chứng nhận đầu tư, thì kỷ lục mới về thu hút vốn FDI có thể được thiết lập.
Bên cạnh đó, điều có thể hoàn toàn yên tâm, đó là dù vốn đăng ký trồi sụt, thì vốn FDI giải ngân vẫn ổn định trong những năm qua. 9 tháng đầu năm, vốn FDI giải ngân ước đạt 9,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những động thái gần đây cũng cho thấy, các nhà đầu tư Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, vì những lợi thế về ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng cao, môi trường đầu tư - kinh doanh không ngừng được cải thiện...
Tất nhiên, cạnh tranh thu hút FDI sẽ ngày càng gay gắt hơn trong khu vực, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được hình thành vào cuối năm nay. Dù có nhiều lợi thế và nhiều cơ hội khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện, thực chất hơn vào kinh tế toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại tự do, song điều quan trọng nhất để chiến thắng trong cạnh tranh thu hút FDI là Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngày mai (30/9), Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 sẽ được tổ chức với dự kiến có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam một lần nữa gửi thông điệp và tiếp tục tạo dựng niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài.