Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 11/2016, cả nước có 2.240 dự án mới được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 13,028 tỷ USD, bằng 96,1% cùng kỳ năm trước; 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% cùng kỳ 2015.
Tính chung trong 11 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% cùng kỳ 2015.
Các dự án lớn đáng chú ý là dự án LG Display Hải Phòng (tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD); dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng (550 triệu USD); dự án Phát triển tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm nhà Mạc (Quảng Ninh) do Tập đoàn Quốc tế CDC (Cayman Islands) đầu tư (315,46 triệu USD); dự án Thành phố Amata Long Thành (Đồng Nai) với nhà đầu tư đến từ Thái Lan (309,3 triệu USD)…
Thống kê cho thấy, mặc dù vốn thu hút giảm so với cùng kỳ năm ngoái, song xu hướng giải ngân của các dự án lại khả quan hơn.
Theo đó, tính đến thời điểm cuối tháng 11, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2015.
Cũng theo thống kê này, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất, với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,41 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.
Tiếp đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 684,84 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đăng ký.
“Đây là những lĩnh vực còn nhiều hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, bởi dư địa đầu tư còn nhiều và tỷ lệ lợi nhuận khá cao”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.
Tính đến thời điểm cuối tháng 11, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ 2015.
Nhận định về xu hướng thu hút vốn FDI thời gian tới, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội Quốc gia cho rằng, mặc dù dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á gần đây có dấu hiệu giảm, song Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế, tiềm năng để tiếp tục tạo sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, khi Việt Nam thực thi các hiệp định thương mại song phương và đa phương, nhất là các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP) hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) dự báo, triển vọng thu hút FDI trong trung hạn là khá tích cực, nhất là với khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
“Điều này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực, có tính khả thi cao như nền kinh tế được dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2016, kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát, lãi suất được duy trì ở mức thấp, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi, đặc biệt là những cải thiện trong môi trường kinh doanh và lợi ích từ những cam kết FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết, sẽ đóng góp tích cực vào thu hút FDI và đầu tư của khu vực tư nhân”, TS. Lợi cho biết.
Không chỉ giới chuyên gia, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng mong muốn gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tại Hội nghị quốc tế lần thứ 3 “Địa kỹ thuật vì sự phát triển bền vững hạ tầng” vừa diễn ra tại Hà Nội, hơn 50 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm với cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực công nghệ, địa kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Hidetaka Takeshima, Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Sanshin (Nhật Bản) cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp xây dựng Nhật Bản muốn đầu tư vào Việt Nam, với kỳ vọng mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, đón đầu cơ hội hợp tác với các nội trong lĩnh vực xây dựng.
Theo vị này, cơ hội là rất lớn và không nên chậm trễ, do đó Sanshin đang xem xét thiết lập quan hệ đối tác với một doanh nghiệp trong nước để sớm bắt đầu triển khai một số dự án kết cấu hạ tầng lớn tại Việt Nam ngay từ đầu năm 2017.
Đại diện Công ty ACE Geosynthetics của Đài Loan chuyên sản xuất vật liệu kỹ thuật sử dụng cho công trình giao thông xây dựng cũng tiết lộ kế hoạch tiếp tục liên doanh, hợp tác với 5 doanh nghiệp trong nước khác để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới.
ACE Geosynthetics dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam để chính thức khẳng định sự hiện diện của mình.