FDI 2014, điểm ngoặt cho chu kỳ tăng trưởng mạnh thu hút FDI

Dù tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của năm 2014 vẫn chưa được công bố chính thức, nhưng năm qua, đã có nhiều tín hiệu tích cực đối với hoạt động FDI tại Việt Nam. Điều đáng nói xu hướng Trung Quốc +1 và Thái Lan +1 đang tạo kỳ vọng cho một dòng vốn lớn FDI vào Việt Nam thời gian tới.
Cùng nhiều nhà đầu tư khác, LG Electronics đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Cùng nhiều nhà đầu tư khác, LG Electronics đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Thông tin gây sự chú ý của dư luận trong những ngày cuối năm là việc Chính phủ đã chính thức đồng ý bổ sung Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội - Bình Định, vốn đầu tư 22 tỷ USD, vào Quy hoạch Phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025.

Cùng với việc chấp thuận bổ sung Dự án vào Quy hoạch, Chính phủ cũng đã giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án theo quy định để triển khai các bước tiếp theo. Theo kế hoạch, Dự án có quy mô chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến khởi công vào đầu năm 2017 và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong kế hoạch của mình, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT), chủ đầu tư, đơn vị đề xuất Dự án, cũng dự kiến nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm sau năm 2021 và vốn đầu tư lúc ấy có thể lên tới 30 tỷ USD.

Cùng với PTT, Công ty Dầu khí Saudi Aramco của Saudi Arabia cũng sẽ tham gia Dự án, và góp 40% vốn giống như PTT. Số còn lại (20%) sẽ được huy động từ các đối tác chiến lược trong nước.

Điểm thuận lợi rất lớn cho Lọc hóa dầu Victory, đó là, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc một số cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho Dự án. Chẳng hạn, Dự án được đưa vào danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư, được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Dự án cũng được miễn thuế nhập khẩu dầu thô, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được để xây dựng Nhà máy. Đồng thời, Dự án được bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật Việt Nam…

Vào thời điểm Chính phủ có quyết định quan trọng nói trên, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và các cán bộ tỉnh Bình Định có mặt tại Thái Lan để tiếp tục có các cuộc thảo luận với chủ đầu tư Dự án - Tập đoàn Dầu khí Thái Lan PTT - về các bước chuẩn bị cho việc triển khai Dự án. Động thái trên cho thấy, cả Bình Định và chủ đầu tư đều đang mong mỏi thúc đẩy sớm việc triển khai đại dự án này.

Nếu Dự án được cấp chứng nhận đầu tư trong những ngày tới, vốn FDI vào Việt Nam năm 2014 sẽ tăng vọt, bởi Lọc hóa dầu Victory có số vốn đầu tư khổng lồ.

Còn ở tại thời điểm này, dù con số chính thức chưa được công bố, song vẫn có thể khẳng định, Việt Nam đã có một năm thành công trong thu hút FDI. Con số trên 17,33 tỷ USD của 11 tháng đầu năm cũng đã đủ cán đích mục tiêu thu hút FDI trong năm 2014. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều khả năng sẽ đạt khoảng 11,5 - 12 tỷ USD trong năm nay.

Không chỉ dừng ở những con số, chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Dễ thấy nhất là ở xu hướng ngày càng nhiều đại gia công nghệ cao đổ vốn vào Việt Nam và biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của họ.

Samsung là ví dụ điển hình, khi cho tới nay, nhà đầu tư này đã dốc vào Việt Nam trên 11,25 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam hiện nay. Quan trọng hơn, các dự án của nhà đầu tư này đều được triển khai rất nhanh và hiệu quả.

Tính đến tháng 12/2014, Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV), vốn đầu tư 2,5 tỷ USD, đã giải ngân được 2 tỷ USD, trong khi Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) giải ngân 2,1 tỷ USD, nhanh hơn kế hoạch đề ra. Ngay sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 7/2014, Dự án Samsung Display, vốn đầu tư 1 tỷ USD, đã được triển khai xây dựng. Còn Dự án SEVT 2, vốn đầu tư 3 tỷ USD, dù chỉ vừa được cấp chứng nhận đầu tư hôm 17/11, nhưng vào thời điểm này, những khung nhà máy đầu tiên đã được lắp đặt.

Trong khi đó, Dự án 1,4 tỷ USD của Samsung ở TP.HCM theo kế hoạch cũng sẽ được khởi công vào đầu năm tới. “Và theo truyền thống của Samsung, Dự án sẽ hoàn thành sau 1 xây dựng”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina cho biết.

Cùng với Samsung, là Microsoft, LG và hàng loạt nhà đầu tư vệ tinh trong lĩnh vực điện tử cũng đã lên kế hoạch mở rộng đầu tư vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất điện thoại di động có thể nói là lớn nhất toàn cầu. “Đây là điều chưa từng xảy ra ở Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI bình luận và một lần nữa nhắc tới cơ hội chưa từng có của Việt Nam trong thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thông tin mới đây, dù không vui, đó là Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiến hành điều tra tự vệ đối với sản phẩm điện thoại di động xuất khẩu, song cũng đã cho thấy vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, năm nay, chỉ riêng Samsung đã xuất khẩu từ Việt Nam khoảng 28 tỷ USD sản phẩm điện thoại di động ra toàn cầu.

Vốn FDI đã đổ vào sản xuất và đó là điều đáng mừng, vì qua đó sẽ góp phần quan trọng vào gia tăng năng lực sản xuất, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Không còn các dự án ảo quy mô hàng tỷ USD như thời điểm vài năm trước và đó cũng là lý do vì sao, xu hướng giảm sút vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục.

Nhưng đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói, xem xét vốn FDI không thể chỉ nhìn trong một năm, mà phải là một thời kỳ. Bởi chỉ một dự án lớn, ví như Lọc hóa dầu Victory có thể cũng làm xoay chuyển cán cân vốn FDI.

Điều quan trọng là, làm sao để thúc đẩy vốn giải ngân. Hơn nữa, cũng không thể không thừa nhận năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, khiến nhiều nhà đầu tư thay vì chọn Việt Nam đã chạy sang các quốc gia lân cận. Đó là điểm chưa được lớn nhất mà Việt Nam cần cải thiện, nếu muốn thắng trong cuộc đua thu hút FDI.

Tin bài liên quan