Thu hút FDI trong năm nay được kỳ vọng bằng hoặc cao hơn năm ngoái

Thu hút FDI trong năm nay được kỳ vọng bằng hoặc cao hơn năm ngoái

FDI 2 tháng đầu năm giảm khá

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2014 giảm khá mạnh, song triển vọng cả năm vẫn rất sáng sủa, khi nhiều dự án lớn đang cập bến.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm, vốn FDI cả vốn cấp mới và tăng thêm chỉ đạt 1,54 tỷ USD, giảm tới 62,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Con số này khiến một số người lo ngại. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI khẳng định, con số đó chưa nói lên điều gì. “Hai tháng đầu năm, có 2 kỳ nghỉ Tết kéo dài, nên vốn đăng ký thấp là điều dễ hiểu”, ông Mại nói và bày tỏ quan điểm rằng, phải chờ xem thời gian tới có dự án lớn nào có “nhiều ý nghĩa” như dự án của Samsung trong năm ngoái không. Nếu không, lúc ấy mới đáng lo.

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lý giải rằng, vốn FDI đăng ký giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do năm trước, một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nên số vốn tăng cao.

Trong đó, chỉ riêng Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã tăng vốn tới 2,8 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức thu hút FDI trong 2 tháng đầu năm nay. Đó là chưa kể một loạt dự án khác, như Dự án Khu phức hợp VSIP Bình Hòa - Bình Dương (tổng vốn đầu tư 199,6 triệu USD), Dự án Terumo tại Đồng Nai (98 triệu USD), Dự án Bệnh viện Shink Mark (tại Đồng Nai, 80 triệu USD)…

Trong cuộc tọa đàm trực tuyến về thu hút FDI vừa được tổ chức, ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã khẳng định, số vốn cấp mới của 2 tháng đầu năm không phản ánh được xu hướng thu hút FDI cả năm.

Theo ông Nội, thu hút đầu tư thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi, như Việt Nam nhiều khả năng sẽ hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; việc triển khai thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI…

“Triển vọng thu hút FDI trong năm 2014 sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan”, ông Nội nói và cho biết, Bộ Công thương đang chủ trì đàm phán khoảng 10 dự án BOT điện, với vốn đầu tư bình quân 2 - 2,5 tỷ USD/dự án. Ngoài ra, còn có Dự án Lọc hóa dầu Bình Định (vốn dự kiến 27 tỷ USD), các dự án hạ tầng cơ sở đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với quy mô hàng trăm triệu USD…

“Nếu một trong số những dự án này được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2014, thì kết quả thu hút FDI sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2013”, ông Nội nói.

Thực tế, nhìn vào các động thái gần đây của các nhà đầu tư nước ngoài, như kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, 70% doanh nghiệp Nhật Bản vẫn muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam, hay niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu đang quay trở lại, có thể tin rằng, dòng chảy vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Hơn nữa, cuối tháng 2/2014, khi sang khảo sát thị trường Việt Nam, ông Alexander C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho biết, đoàn doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam trong năm nay đông nhất từ trước tới nay, với hàng loạt tên tuổi lớn như Coca-Cola, Boeing, General Electric, KPMG, PepsiCo…, đã ghi nhận mức độ quan tâm của doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam.

“Các doanh nghiệp Mỹ rất hứng khởi với các cơ hội được mở ra từ thị trường Việt Nam. Tương lai này càng xán lạn hơn khi TPP được ký kết”, ông Feldman nói.

Trong khi đó, theo thông tin mới đây của ông Park Chang Eun, Phó giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang có kế hoạch tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Samsung là một ví dụ. Bên cạnh đó, LG cũng đang trong quá trình xem xét một số dự án với vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD.

Thông tin mới nhất, ngày 4/3/2014, Tập đoàn Shinsegae, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc, cũng đã chia sẻ kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Trong khi đó, thông tin từ Quảng Ngãi cho biết, tỉnh này đang thực hiện thủ tục cấp phép cho Tập đoàn Liwayway Marketing và OceanMaster Engineering (Philippines) để xây nhà máy sản xuất thực phẩm và thiết bị lạnh hàng hải tại VSIP Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư hơn 44 triệu USD. Và nếu được Chính phủ thông qua, Dự án Thép Guang Lian (Khu kinh tế Dung Quất), dự kiến tăng vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD, sẽ được khởi động trong năm nay.

Tin bài liên quan