Thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường có màn biểu diễn tốt nhất khu vực châu Á trong năm nay, tuy nhiên, “ngôi sao” sáng nhất trên thị trường lúc này lại là cổ phiếu của một công ty xây dựng ít tên tuổi, với giá trị tăng gấp hơn 10 lần kể từ đầu tháng 9 cho tới nay.
Diễn biến tăng giá của cổ phiếu Faros kể từ khi IPO vào tháng 9
Giá trị thị trường của Công ty cổ phần Xây dựng Faros, do người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam Trịnh Văn Quyết sở hữu gần 70% cổ phần, đã nhảy vọt từ 170 triệu USD vào thời điểm IPO tháng 9/2016 lên 2,2 tỷ USD vào phiên cuối tuần này (17/11), trở thành công ty niêm yết có giá trị lớn thứ 7 tại Việt Nam.
Dường như không ai hiểu tại sao điều này lại xảy ra.
Lĩnh vực hoạt động chính của công ty là xây dựng các dự án do nhà phát triển bất động sản FLC Group JSC (Công ty cổ phần Tập đoàn FLC), cũng do ông Trịnh Văn Quyết làm chủ, thực hiện. Mức tăng bất ngờ của giá cổ phiếu Faros đồng nghĩa với việc, hiện tại, giá trị của Faros cao hơn khoảng 2 tỷ USD so với FLC và làm gia tăng lo ngại, nếu cổ phiếu này rớt giá sẽ tạo nên làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lợi nhuận của Faros đã tăng 170% trong 9 tháng đầu năm nay, lên 232,1 tỷ đồng (10,4 triệu USD). Công ty đã mua được một số lượng lớn các bất động sản khắp Việt Nam trong giai đoạn thị trường bất động sản tại đây đi xuống. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, kết quả hoạt động kinh doanh tốt chưa đủ sức khiến cổ phiếu của Faros hiện được định giá cao hơn gấp 120 lần dự báo lợi nhuận của công ty trong năm nay.
“Tôi đã vò đầu bứt tai vì cổ phiếu Faros trong nhiều tuần. Tôi chưa từng nghe về công ty này trước tháng 9, vậy mà hiện tại đang chiếm khoảng 3,6% giá trị của chỉ số VN-Index”, Marc Djandji, người đứng đầu bộ phận khách hàng doanh nghiệp tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cho biết.
giao diện website Faros
Trên website của Faros chỉ có thông tin về một số dự án do FLC làm chủ đầu tư và tên tuổi của công ty này hầu như không được biết đến trước khi IPO. Hiện tại, không có công ty xây dựng nào tại Việt Nam có giá trị thị trường gần với Faros và cũng không có cổ phiếu nào được tận hưởng niềm vui tăng giá chóng mặt như vậy.
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, công ty xây dựng niêm yết lớn thứ hai sau Faros có giá trị thị trường khoảng 510 triệu USD.
Ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc Sở GDCK TP. HCM cho biết, ông đã có báo cáo lên cơ quan quản lý thị trường chứng khoán về diễn biến tăng giá “bất thường” của Faros. Bên cạnh đó, ông Trà cho biết thêm, ông cũng sẽ sớm yêu cầu Faros giải trình về diễn biến của cổ phiếu này.
Cho tới 17/11, cả Faros lẫn các quan chức quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam đều không trả lời điện thoại của Wall Street Journal.
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Faros Lê Thành Vinh trong bức thư gửi các cổ đông cho biết, ông kỳ vọng giá cổ phiếu Faros sẽ tăng thêm 50% nữa so với mức đóng cửa tuần trước. Bên cạnh đó, Công ty mong cổ đông sẽ chấp thuận kế hoạch mở rộng lĩnh vực hoạt động, bao gồm cả bán lẻ, giao thông, năng lượng và viễn thông, cùng với việc phát hành thêm cổ phiếu.
Chủ tịch HĐQT Faros Lê Thành Vinh
Sự tăng giá mạnh của cổ phiếu Faros nhắc nhở giới đầu tư về các trường hợp kỳ lạ thường xuất hiện tại các thị trường cận biên, vốn chưa đạt được trình độ như các thị trường mới nổi.
Chỉ số VN-Index đã tăng 16,5% trong năm nay, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 185 triệu USD cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng năm 2016. Chỉ số MSCI các thị trường cận biên giảm 2,4% trong năm nay và chỉ số MSCI các thị trường mới nổi tăng 6,7%.
Hiện vẫn chưa rõ ai là người giao dịch cổ phiếu Faros trong những tuần gần đây. Khối lượng giao dịch cổ phiếu Faros đã tăng bất thường lên mức quanh 2 triệu cổ phiếu/ngày, so với mức chưa tới 1 triệu cổ phiếu/ngày của Vinamilk, cổ phiếu thanh khoản bậc nhất tại Việt Nam.
Các nhà quản lý quỹ tại Việt Nam lo ngại rằng, một nhóm nhỏ các nhà đầu tư có thể đang có hành động đẩy giá của cổ phiếu Faros, với mục đích đảm bảo các quỹ ETF sẽ tự động mua vào cổ phiếu Faros, qua đó tiếp tục giúp giá cổ phiếu này tăng thêm.
Kevin Snowball, người đứng đầu PXP Vietnam Asset Management tại TP. HCM cho biết, nếu cổ phiếu Faros cũng rơi nhanh như tốc độ tăng giá, các tổn thất sau đó sẽ làm tổn hại tới uy tín của thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi thực sự hy vọng rằng các cơ quan quản lý sẽ có hành động cứng rắn nhằm bảo vệ uy tín và sự ổn định của thị trường”, Kevin Snowball cho biết.
Ông chủ của Faros – Trịnh Văn Quyết là người đã làm giàu nhờ FLC, tập đoàn do ông sở hữu 17%, với các sự án phát triển các khu resort, sân golf và các tòa nhà văn phòng dọc đường bờ biển Việt Nam.