Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (phải) và đối tác liên danh tranh cử, Thượng nghị sĩ Kamala Harris trong chiến dịch vận động bầu cử Tổng thống ở Wilmington, bang Delaware, ngày 12/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngày 13/8, các nền tảng truyền thông xã hội đã lập một cuộc chiến chống tin giả liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Facebook đã khởi động một "Trung tâm Thông tin bầu cử" (VIC) nhằm giúp cử tri dễ dàng truy cập các thông tin liên quan cuộc bầu cử, trong khi Twitter mở rộng các quy định chống tin giả liên quan đến việc bỏ phiếu qua đường bưu điện và bầu cử sớm.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các mạng xã hội đang vấp phải những chỉ trích nặng nề về cách tiếp cận lỏng lẻo đối với các chiến dịch tin giả và tin chưa chính xác, được cho là đã từng ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Twitter cho biết sẽ áp dụng các chính sách mới "nhấn mạnh thông tin chính xác về mọi hình thức bỏ phiếu, trong đó có bỏ phiếu bằng đường bưu điện và bỏ phiếu sớm, qua đó giúp cử tri có thể đăng ký và bỏ phiếu thông qua nhóm cộng tác, các công cụ và chính sách mới."
Trong khi đó, VIC của Facebook giúp người dùng cập nhật thông tin chính xác và dễ tìm về việc bỏ phiếu ở địa phương mình sống. Công ty cho biết cũng sẽ trao đổi với các quan chức bầu cử về các thông tin sai lệch liên quan đến kết quả bỏ phiếu, coi đây là một mối đe dọa mới.
Ngoài ra, Facebook đề xuất hỗ trợ quảng cáo miễn phí cho các quan chức bầu cử tại tất cả 50 bang và Quận Columbia để giúp họ tuyển dụng nhân viên bầu cử.
Tổng thống Donald Trump đã liên tiếp bày tỏ lo ngại về việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ làm gia tăng gian lận bầu cử, trong khi đây sẽ có thể là phương thức bỏ phiếu phổ biến trong bối cảnh dịch bệnh.
Hình thức bỏ phiếu này vốn không mới tại Mỹ, bởi gần 1/4 cử tri đã bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.