Tòa án phúc thẩm Liên bang Mỹ ngày 9/4 đã khôi phục vụ kiện trên toàn quốc cáo buộc Facebook vi phạm quyền riêng tư bằng cách theo dõi hoạt động Internet ngay cả sau khi người dùng đăng xuất khỏi trang web mạng xã hội.
Tòa phúc thẩm số 9 tại San Francisco cho biết người dùng Facebook có thể theo đuổi một số khiếu nại theo luật riêng tư ở cấp liên bang và bang California.
Một phát ngôn viên của Facebook cho biết "vụ kiện là không công bằng," và tập đoàn này sẽ tiếp tục tự bảo vệ mình.
Một số người dùng Facebook đã cáo buộc mạng xã hội này lặng lẽ lưu trữ cookie (lịch sử truy cập web) trên trình duyệt khi người dùng bấm vào các nút "like" trên các trang web bên ngoài và sau đó bán hồ sơ cá nhân dựa trên lịch sử duyệt web cho các nhà quảng cáo.
Thẩm phán Tòa sơ thẩm Liên bang ở San Jose, California, Edward Davila đã bác bỏ vụ kiện năm 2017, bao gồm các khiếu nại theo Đạo luật Wiretap (đạo luật về quyền riêng tư), và nói rằng người dùng thiếu các căn cứ pháp lý để đòi các bồi thường kinh tế.
Tuy nhiên trong quyết định hôm thứ Năm 9/4, Chánh án Sidney Thomas của Tòa phúc thẩm số 9 nhận định người dùng có "kỳ vọng hợp lý về quyền riêng tư" và đã đủ cơ sở cáo buộc Facebook "xâm phạm rõ ràng" quyền riêng tư người dùng.
Theo Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm số 9, luật pháp bang California công nhận quyền thu hồi lợi nhuận bất chính, bất kể một bị cáo có hành vi trực tiếp gây thiệt hại kinh tế hay không.
Chánh án Sidney Thomas cho biết người dùng Facebook không có cơ hội kiểm soát hay ngăn chặn hoạt động xâm phạm trái phép cuộc sống riêng tư của họ khi mạng xã hội tiết lộ các dữ liệu cá nhân như những điều thích, không thích, các mối quan tâm và thói quen cá nhân trong một khoảng thời gian đáng kể.
Trích dẫn chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook, ông Thomas cũng cho biết các nguyên đơn có "cáo buộc chính đáng" khi mạng xã hội luôn tuyên bố rằng dữ liệu người dùng đã đăng xuất sẽ không được thu thập, nhưng thực tế chúng vẫn có thể bị thu thập.