Khó khăn liên tiếp
Facebook liên tiếp trải qua các sự kiện khó khăn trong thời gian gần đây, đầu tiên là việc ứng cử viên Tổng thống, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren quyết định “chia tay” Công ty. Sau đó, một số dịch vụ và mạng xã hội thuộc Facebook bất ngờ dừng hoạt động trong quãng thời gian dài nhất từ trước tới nay. Tiếp theo, thêm 2 nhân sự cấp cao có gắn bó mật thiết tới các sản phẩm của hãng thông báo ra đi. Và cuối cùng, mọi chuyện bùng nổ vào ngày cuối tuần với việc cuộc tàn sát 50 người tại New Zealand được livestreamed trên Facebook.
Trang mạng xã hội này cho biết, Công ty đã xoay sở để ngăn cản 1,2 triệu lượt tải video tàn sát kể trên trong 24 giờ đầu tiên sau khi sự việc diễn ra, tuy nhiên, đã có 300.000 phiên bản của video này được đăng tải trước khi bị gỡ bỏ.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, bà muốn nói chuyện với Facebook về vấn đề live streaming. Trong khi đó, CEO AirAsia Group Bhd Tony Fernandes, một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng mạnh nhất châu Á thông báo, ông đã đóng tài khoản với 670.000 người theo dõi của mình bởi sự ghét bỏ đối với trang mạng xã hội này.
Các tin xấu dồn dập lập tức khiến giá cổ phiếu của Facebook giảm 2,5% chỉ trong 1 ngày, mức giảm mạnh nhất trong 2 tháng qua và hiện vẫn đang đi xuống, giao dịch quanh mức 165 USD/cổ phiếu.
Sự kiện này diễn ra vào thời điểm không thể tệ hơn với Facebook, khi Công ty đang chịu nhiều điều tiếng với khách hàng, giới chức các quốc gia, cũng như nhà đầu tư về vấn đề bảo mật thông tin người dùng, không thể kiểm soát nạn tin giả, không ngăn chặn các nội dung bạo lực… Với việc video cuộc tàn sát được tăng tải trực tiếp, theo các chuyên gia, đã tới lúc giới chức các nước chính thức bắt tay vào việc thắt chặt hơn quy định đối với Facebook.
Rơi vào khủng hoảng
Trong tuần trước, Facebook đối diện với 2 cơn sóng lớn. Thứ nhất, ứng dụng Facebook, cùng với Instagram và WhatsApp bất ngờ gặp trục trặc trên toàn cầu, với nhiều vấn đề như chậm tải nội dung, không gửi được tin nhắn… Sự việc kéo dài tới ngày thứ hai, quãng thời gian gặp sự cố dài nhất được ghi nhận kể từ năm 2012. Facebook cho biết, sự cố này xuất phát từ việc thay đổi cài đặt tại hệ thống máy chủ của hãng.
Trục trặc này chưa qua, thì sự cố khác lại đến. 2 lãnh đạo gắn với các sản phẩm tiêu biểu của hãng quyết định rời đi. Chris Cox, người đã làm việc 13 năm tại Facebook, đồng thời là nhân vật sáng tạo và phát triển news feed - kênh chính thức để cập nhật cuộc sống cá nhân của hơn 2 tỷ người dùng trên Facebook thông báo ngắn gọn sẽ ra đi, trong khi có nhiều dấu hiệu cho thấy ông và Zuckerberg có tầm nhìn khác biệt về tương lai của trang mạng xã hội này. Sau đó, Chris Daniels, người đang điều hành WhatsApp cũng nghỉ việc tại Facebook.
Trục trặc trong hoạt động cung cấp dịch vụ, cùng với sự ra đi của các nhân sự chủ chốt khiến các thành viên thị trường không khỏi lo lắng về những hoạt động cốt lõi sắp tới của trang mạng xã hội này.
Thứ hai, sự quay lưng của người dùng. Các nhận xét tiêu cực về Facebook, được đo lường bằng những dòng trạng thái trên Twitter, đã tăng lên mức cao nhất 8 tháng qua trong ngày cuối tuần trước. Facebook chưa từng phải đối diện với làn sóng ghét bỏ như vậy kể từ tháng 7/2018, khi Công ty công bố doanh thu đáng thất vọng và tăng trưởng người dùng đi xuống dưới sự ảnh hưởng tiêu cực từ scandal lộ thông tin cá nhân.
Thêm vào đó, cơ quan điều tra Bộ Tư pháp Mỹ quyết định mở rộng thêm thành viên bồi thẩm đoàn, vào cuộc mạnh hơn nữa vụ điều tra các chính sách bảo mật thông tin, cũng như kiểm soát nội dung của Facebook.
Tuy nhiên, mô hình kinh doanh của Facebook là tạo không gian cho 2,7 tỷ người dùng được thể hiện cảm xúc và thu hút sự chú ý đối với cộng đồng, từ đó thu lợi nhờ quảng cáo. Bởi vậy, Công ty khó lòng giải quyết được việc các nội dung câu khách, không phù hợp được đăng tải, nếu không muốn chứng kiến lượng người dùng lao dốc.