Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm công tác 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, một trong những điểm nhấn của ngành trong năm 2017 là việc Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai các biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Cụ thể, phía Google và Facebook bước đầu đã có những hợp tác tích cực với phía Việt Nam. Trong đó, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ được khoảng 4.500 video clip xấu độc trên trang Youtube trong tổng số khoảng 5.000 video clip theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo; 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Trương Minh Tuấn cũng chỉ ra các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thường xuyên phát tán thông tin xấu độc trên các dịch vụ nền tảng nước ngoài…
Việt Nam vẫn là 1 trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.
“Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Hiện tượng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng về số lượng”, Bộ trưởng thông tin.
Về nhiệm vụ 2018, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh một số nhiệm vụ với ngành là đẩy mạnh chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch…
Nhiều cá nhân xin tổ chức họp báo
Phát biểu tại đây, bà Phan Lan Tú – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, hiện nay TP Hà Nội đã hoàn thiện đề án quy hoạch báo chí và đã báo cáo các cấp theo quy định. Bà Tú mong các đơn vị liên quan sớm có ý kiến để triển khai đề án theo quy định.
“Mong Bộ có cơ chế đặc thù vì Hà Nội và TP HCM là hai trung tâm báo chí lớn nhất toàn quốc cần có sự quan tâm đến các ngành, đoàn thể. Do vậy, cần có cơ chế đặc thù đối với Hà Nội”, bà Phan Lan Tú nói.
Phát biểu tại đây, bà Tú cũng mong Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức họp báo. Vì theo bà Tú, hiện nhiều đơn vị, cá nhân ngay cả không đóng trên địa bàn thành phố nhưng vẫn xin tổ chức họp báo ở đây. Trong khi đó, nhiều cuộc báo với nội dung không phù hợp hoặc không đúng chuyên ngành nên đơn vị này mất nhiều thời gian để thẩm định. Nhưng theo quy định, nếu gửi nội dung xin phép họp báo, sau 24 giờ không có ý kiến nghĩa là được họp báo.
“Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn về việc này, bởi nếu không cấp phép thì không đúng quy định, vì gây khó khăn trong quyền phát ngôn của tổ chức, cá nhân. Nhưng nếu cấp phép nhiều trường hợp sẽ gây bất ổn. Có những trường hợp cấp phép nhưng họ tổ chức họp với nội dung khác, ở địa điểm khác và thời gian cũng bị thay đổi”, bà Phan Lan Tú cho hay.
Liên quan đến phát triển và quy hoạch báo chí toàn quốc, ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí cho biết, Hà Nội đang xin cơ chế đặc thù, trong đó định hướng sáp nhập ba cơ quan báo chí thuộc cấp sở vào làm một.
Tuy nhiên, theo ông Phúc hiện định hướng quy hoạch báo chí vẫn giữ nguyên, không có cơ chế đặc thù như đề xuất.
Do vậy, theo ông Lưu Đình Phúc việc 3 cơ quan báo chí thuộc sở nhập vào thành một cơ quan báo chí là chưa phù hợp với quy hoạch. Bởi theo quy hoạch cấp sở sẽ không còn cơ quan báo chí.
Về vấn đề tổ chức họp báo, ông Phúc cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành. Theo ông Phúc, gần đây có nhiều cá nhân xin họp báo, trong đó có cả người làm trong cơ quan nhà nước có những vướng mắc xin tổ chức họp báo thông tin tới báo chí. Ông Phúc đưa ra ví dụ cụ thể về một trường hợp ở Thanh tra Chính phủ xin họp báo đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cấp sở ở Hà Nội để xử lý.
Với quy định tổ chức họp báo, ông Phúc cho biết, không có quy định xây dựng nghị định hướng dẫn vấn đề này, mà căn cứ theo điều 41 của Luật Báo chí để thực hiện.
Theo ông Phúc mọi tổ chức, cá nhân khi có vấn đề khúc mắc có quyền tổ chức họp báo để thông tin lại báo chí để nhân dân được biết.
“Thực tế nhiều cá nhân xin họp báo vì họ không có diễn đàn để nói ra những vấn đề liên quan đến chính bản thân”, ông Phúc nói.
Ông Lưu Đình Phúc cho biết, vấn đề thuộc trách nhiệm của sở phải thẩm định nội dung họp báo không vi phạm những điều cấm trong Luật Báo chí. Ngoài ra, cấp sở cũng có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cá nhân xin họp báo có thực hiện đúng nội dung đăng ký hay không.
Ngoài ra, ông Phúc cũng đề cập đến trách nhiệm của cơ quan báo chí khi đăng tin bài cá nhân tổ chức họp báo. “Vì họ là cá nhân nên không phải thông tin chính thống của cơ quan nhà nước. Vì vậy, cơ quan báo chí đăng thông tin nhưng phải có trách nhiệm vì nguồn tin này không chính thống”, ông Phúc nói thêm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đạt được của Bộ Thông tin và Truyền trong năm qua. Đề cập vấn đề quản lý báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị cần phải làm thật tốt để các báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích và hoạt động năng động nhất, đưa giá trị tốt cho xã hội. Theo ông, trong báo chí không tránh khỏi sơ suất, tuy nhiên nếu có sơ suất thì phải xử lý kịp thời.
Về quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông không cần phải “đao to búa lớn” gì mà chỉ cần sắp xếp trước, làm xong các cơ quan báo chí thuộc Bộ thì các đơn vị khác cũng sẽ làm được ngay.