Ảnh minh họa. (Nguồn: Guardian).
Ngày 16/6, công ty Facebook tuyên bố sẽ dán nhãn các quảng cáo chính trị được người dùng chia sẻ trên bảng tin riêng của họ.
Điều này giúp chấm dứt những chỉ trích trong nhiều năm qua xung quanh lỗ hổng của công ty trong các biện pháp đảm bảo bầu cử minh bạch.
Mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đã dán nhãn "Paid for by" (Được trả tiền bởi) đối với các quảng cáo chính trị từ năm 2018 sau khi bị cáo buộc tiếp tay cho hành động can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, các nhãn này biến mất khi người dùng chia sẻ các quảng cáo chính trị trên trang riêng của họ. Giới quan sát cho rằng điều này khiến vấn nạn tin giả tiếp tục lan rộng.
Đầu tháng này, Facebook áp dụng biện pháp dãn nhãn tương tự đối với một số cơ quan truyền thông nhà nước, trừ các tổ chức có trụ sở tại Mỹ, tuy nhiên nhãn này cũng không xuất hiện khi người dùng chia sẻ hoặc đăng liên kết trang lên bảng tin của người dùng.
Facebook đưa ra thông báo mới trên trong bối cảnh giới chức và người dùng Mỹ đang hối thúc Facebook nỗ lực hơn nữa nhằm chống lại nạn tin giả tràn lan trước thềm cuộc bầu cử tổng thống nước này dự kiến vào tháng 11 tới.
Tháng 4 vừa qua, Facebook thông báo sẽ bổ sung tính năng hiển thị vị trí của các bài viết trên một số tài khoản có lượng theo dõi cao nhằm tăng cường tính minh bạch, đồng thời ngăn chặn hành vi can thiệp bầu cử từ nước ngoài.
Các nhà quản lý sản phẩm của Facebook và Instagram cho biết sẽ cung cấp dữ liệu vị trí của mỗi bài viết mà các tài khoản có lượng theo dõi cao chia sẻ, giúp người đọc có thể đánh giá mức độ chính xác và tin cậy của các bài viết này.
Tính năng mới này sẽ được thử nghiệm trước tiên tại Mỹ và chủ yếu đối với các bài viết được đăng ở nước ngoài.
Đây được xem là một trong những nỗ lực của Facebook nhằm cung cấp cho người dùng thêm thông tin về các bài viết có nội dung lôi kéo chính trị.