Năm 2022, Petrosetco ghi nhận khoản lỗ gần 253 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán.

Năm 2022, Petrosetco ghi nhận khoản lỗ gần 253 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán.

“F0” tổ chức âm thầm rời bỏ chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi gặp cú sốc thua lỗ lớn trong năm 2022, Petrosetco và Licogi 14, hai nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán, đã thoái dần các khoản đầu tư.

Giai đoạn 2020 - 2021, khi các hoạt động sản xuất - kinh doanh bị hạn chế bởi đại dịch, dòng vốn rẻ đã tìm đến kênh đầu tư chứng khoán, giúp thị trường chứng khoán toàn cầu thăng hoa, Việt Nam không phải ngoại lệ. Xu hướng đó đã thu hút làn sóng nhà đầu tư mới (F0), bao gồm cả cá nhân và tổ chức, gia nhập thị trường. Thực tế, một số nhà đầu tư “tay ngang” ghi nhận khoản lãi khá khi thị trường một mạch đi lên. Nhưng biến động mạnh của thị trường đã lấy đi tất cả thành quả, thậm chí còn khiến các nhà đầu tư này thua lỗ không nhỏ.

Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, mã PET) là một ví dụ. Thời điểm 31/12/2019 (trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19), Công ty không đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, các năm sau đó, Công ty liên tục đổ tiền vào kênh này: năm 2020 đầu tư 68,1 tỷ đồng; năm 2021 đầu tư 231,6 tỷ đồng. Đỉnh điểm là ngày 30/6/2022, Công ty ghi nhận tổng giá trị các khoản đầu tư cổ phiếu lên tới 419,3 tỷ đồng, chiếm 5% tổng tài sản. Tuy nhiên, đến cuối năm, Công ty liên tục giảm quy mô đầu tư và thời điểm 31/12/2022, Công ty chỉ còn đầu tư 10,6 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Petrosetco ghi nhận khoản lỗ đầu tư chứng khoán lên tới 252,9 tỷ đồng.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023, ông Phùng Tuấn Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrosetco chia sẻ: “Năm 2021, kết quả đầu tư chứng khoán rất tốt. Tuy nhiên, thị trường năm 2022 diễn biến rất xấu và dẫn tới thua lỗ. Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh. Hiện chúng tôi chưa có kế hoạch đầu tư chứng khoán trong giai đoạn sắp tới”.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Licogi 14 (mã L14) - từng có danh mục đầu tư chứng khoán chiếm tới gần 87% tổng tài sản - mới đây đã gây bất ngờ với việc báo cáo tài chính quý I/2023 ghi nhận giá trị đầu tư chứng khoán cuối kỳ bằng 0. Đầu năm nay, giá trị khoản mục này của Licogi 14 là 14,19 tỷ đồng.

Nhìn lại lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, năm 2020, Licogi 14 không đầu tư chứng khoán, nhưng đến cuối năm 2021, giá trị đầu tư lên tới 486 tỷ đồng, chiếm 41,8% tổng tài sản. Công ty thuyết minh đầu tư 298 tỷ đồng cổ phiếu CEO và đầu tư 188 tỷ đồng vào cổ phiếu DIG. Đỉnh điểm, ngày 30/6/2022 (báo cáo tự lập chưa thay đổi phương pháp ghi nhận khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14), giá trị đầu tư chứng khoán của Licogi lên tới 688,5 tỷ đồng, chiếm 86,8% tổng giá trị tài sản. Công ty tạm lỗ 379,6 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 55,1% tổng danh mục đầu tư chứng khoán.

Đáng lưu ý, đầu năm 2022, Licogi 14 sở hữu 51% vốn Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14, nhưng đến cuối năm chỉ còn sở hữu 48,57%, sau khi Đầu tư tài chính Licogi 14 tăng vốn điều lệ từ 110 tỷ đồng lên 404,25 tỷ đồng (phát hành 0,55 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 5%, trả cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 250% từ nguồn vốn của Công ty). Cùng với việc công ty con chuyển thành công ty liên kết, Licogi 14 cũng thay đổi phương pháp hạch toán khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư tài chính Licogi 14 theo phương pháp giá gốc (lãi/lỗ trong kỳ không hợp nhất vào báo cáo của Licogi 14).

Trước khi thay đổi cách hạch toán Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Licogi 14, Licogi 14 cho biết, báo cáo hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 lỗ 234,36 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trích lập 379,56 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong danh mục 688,51 tỷ đồng (tạm lỗ 55,1% tổng danh mục). Bằng việc thay đổi cách hạch toán, trong 6 tháng đầu năm 2022, Licogi 14 đã chuyển từ lỗ 234,36 tỷ đồng sang lỗ 23,73 tỷ đồng.

Petrosetco và Licogi 14 chỉ là hai ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp sản xuất, thương mại thực hiện đầu tư trái ngành sang lĩnh vực tài chính, gặp thị trường khó khăn gây thua lỗ lớn.

Tin bài liên quan