Biến động nhân sự cấp cao
Eximbank đã ra thông báo, ngày chốt danh sách cổ đông tham gia ĐHCĐ là ngày 28/1. Nội dung dự kiến được thông qua trong ĐHCĐ năm 2019 bao gồm báo cáo hoạt động kinh doanh năm 2018 và kế hoạch kinh doanh năm 2019; báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2018…
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2018 chưa kiểm toán, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của Eximbank đạt 827 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với năm trước đó và chỉ hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm (1.600 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 661 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 12/2018, tổng tài sản của Eximbank đạt 152.709 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm trước đó. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng khiêm tốn 2,9% với 104.243 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Eximbank chưa đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm 2019, song lợi nhuận dự kiến sẽ đạt mức gấp đôi so với năm trước.
Điều bất ngờ đối với Eximbank đó là trước thềm ĐCHĐ, nhà băng này một lần nữa lại thay ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT. Ngày 22/3/2019, Eximbank đã ra Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú, Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, Thành viên HĐQT độc lập.
Bà Tú tham gia Eximbank với tư cách là Thành viên HĐQT Ngân hàng từ tháng 4/2018. Mặc dù thời gian gia nhập chưa lâu, nhưng những đóng góp của vị lãnh đạo này đối với sự ổn định và phát triển của Eximbank trong thời gian qua được nhiều người đánh giá là thiết thực và kịp thời.
Bà Tú sinh năm 1980, từng giữ ghế Tổng giám đốc (CEO) Nam A Bank từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2018. Trước khi công tác tại Nam A Bank, bà Tú từng là Giám đốc Khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của MHB; Giám đốc Chi nhánh Sacombank; Thành viên HĐQT CTCP Đường Ninh Hòa, Thành viên HĐQT CTCP Du lịch Thắng Lợi...
Trước đó, nhiều năm sau khi ông Lê Hùng Dũng rời ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT Eximbank, ngân hàng này vẫn ở trong tình trạng biến động, kinh doanh đi xuống, nhân sự cấp cao thay đổi liên tục và không ít tai tiếng. Bên cạnh ghế Chủ tịch, tại kỳ ĐHCĐ thường niên năm 2018, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank xin từ nhiệm, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận và hiện ông Quyết vẫn giữ ghế CEO Eximbank.
Hồi tháng 4/2018, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh vào vị trí Phó tổng giám đốc “quyền lực” nhất của Eximbank và được dự báo sẽ thay thế ghế nóng CEO của ông Quyết. Thế nhưng, đến nay, ghế CEO Eximbank vẫn được giữ nguyên.
Trước đó, hồi tháng 8/2017, Eximbank chứng kiến 4 phó tổng giám đốc xin nghỉ việc, 5 phó tổng giám đốc xuống làm giám đốc cấp cao. Như vậy, trong khoảng thời gian đó, Eximbank giảm 8 phó tổng giám đốc. Ban điều hành mới chỉ còn 7 người thay vì 15 thành viên như trước đây.
Tổng cộng 4 cá nhân đã rời vị trí lãnh đạo Eximbank gồm ông Nguyễn Quốc Hương, ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân. Ngoài ra, Eximbank cũng tổ chức lại 9 khối - trung tâm, phòng ban ở Hội sở chính thành 7 khối. Việc tái sắp xếp này là một phần của các khởi xướng chiến lược trung và dài hạn của Ngân hàng thuộc dự án “Eximbank mới”.
Liệu có về chung nhà với Nam A Bank?
Cuộc tranh giành quyền lực tại Eximbank được cho là xuất phát từ việc có sự liên minh giữa các nhóm cổ đông trong điều hành hoạt động của Eximbank. Cụ thể, trong số 8 thành viên HĐQT khi đó, có 3 người là đại diện cho 3 nhóm cổ đông với tỷ lệ sở hữu khoảng 40% cổ phần tại Eximbank. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông của
Eximbank bắt đầu từ năm 2015, vào thời điểm khi thị trường xuất hiện tin đồn Eximbank sẽ sáp nhập với Nam A Bank. Tại ĐHCĐ năm 2015, Nam A Bank cũng đã cử người tham gia ứng cử vào HĐQT Eximbank.
Kể từ ĐHCĐ 2015 của Eximbank (cuối tháng 7/2015) - khi mà Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank luôn nóng bỏng. Các nhóm cổ đông không tìm được sự đồng thuận trong vấn đề lựa chọn thêm người vào HĐQT.
Câu chuyện tranh giành ghế vào HĐQT Eximbank thực sự lan rộng sau khi ĐHCĐ năm 2016 bất thành. Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông đã khiến Eximbank lún sâu vào khó khăn, với tài sản sụt giảm và lợi nhuận lao dốc, thậm chí bị lỗ và cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận âm 2 năm liên tiếp. Trong khi đó, liên tiếp xảy ra các vụ mất tiền hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng do chính nhân viên ngân hàng chiếm đoạt, mà gần đây nhất là vụ việc của khách hàng Chu Thị Bình.
Với việc bầu bà Tú vào ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT lại một lần nữa khiến thị trường liên tưởng đến khả năng hai ngân hàng Eximbank - Nam A Bank có về chung một nhà như đồn đoán trước đó. Bà Tú hiện là cá nhân nắm nhiều cổ phiếu EIB nhất trong HĐQT Eximbank với sở hữu gần 13,8 triệu cổ phần, tương đương 1,122% vốn của Ngân hàng. Các cổ đông còn lại nắm giữ tới gần 71% thuộc về nhiều nhóm cổ đông khác nhau. Tại các ĐHCĐ trước đó, nhiều nhân sự ứng cử bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng không thành công.
Việc bà Lương Thị Cẩm Tú ngồi vào ghế “nóng” Chủ tịch HĐQT cho thấy đã có sự thay đổi về tương quan quyền lực giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank.
Tuy nhiên, trước quyết định bất ngờ bị rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT và thay bằng “sếp cũ” của Nam A Bank, ông Lê Minh Quốc đã có “tâm thư” gửi báo chí và chia sẻ thêm thông tin về những “hiện tượng lạ” đang diễn ra trong hoạt động điều hành của Eximbank.
Theo ông Quốc, trong vòng 3 năm qua (từ năm 2016 đến nay), Eximbank hoạt động trong bối cảnh khó khăn, song vẫn đạt được kết quả và tăng trưởng nhất định. Đặc biệt, “trong công tác quản trị, HĐQT Eximbank luôn tuân thủ các quy định của pháp luật và tuân thủ Điều lệ Eximbank nên đã giữ được sự ổn định và phát triển qua rất nhiều biến cố”, ông Quốc viết.
Cũng theo ông Quốc, ngày 22/3/2019, một nhóm thành viên HĐQT họp và đưa ra quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông để bầu bà Tú làm Chủ tịch HĐQT. Trước đó, ông Quốc cho biết, ngày 11/3/2019, ông đã có đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước để phản ánh tình hình bất ổn trong HĐQT Eximbank và các sai phạm của nhóm thành viên HĐQT nhằm xin can thiệp “khẩn cấp và triệt để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, giúp ổn định hoạt động của Eximbank nói riêng và đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia nói chung”.
“Ngày 19/3/2019, tôi nhận được email từ Văn phòng HĐQT gửi tài liệu kèm Thư triệu tập phiên họp HĐQT ngày 22/3/2019 (Thư triệu tập đề ngày 15/3/2019 và do 5 thành viên HĐQT ký tên). Cũng trong ngày này, tôi đã nhận được văn bản của Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng đã yêu cầu Chủ tịch HĐQT, HĐQT Eximbank gửi toàn bộ hồ sơ tài liệu (liên quan đến nội dung của Đơn cứu xét của tôi) về Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng để được xem xét và giải quyết”, ông Quốc viết trong nội dung thông báo gửi đến báo chí.
Đồng thời cho biết thêm, ngày 20/3/2019, ông đã có văn bản yêu cầu không thực hiện cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2019 do nhóm 5 thành viên HĐQT triệu tập. Tuy nhiên, cuộc họp này vẫn diễn ra, thông qua việc bãi nhiệm ông và bầu bà Tú đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT. Do phản đối cuộc họp này nên ông Quốc không dự họp.
"Tôi cho rằng, phiên họp ngày 22/3/2019 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lý, những nghị quyết của nhóm thành viên HĐQT Eximbank ban hành tại phiên họp ngày 22/3/2019 không có hiệu lực pháp luật. Bằng trách nhiệm của mình, tôi sẽ hợp tác với các cơ quan để làm rõ", ông Quốc viết.
Nói về cổ đông lớn chiến lược nước ngoài lớn nhất của Eximbank là Sumitomo Mitsui Banking Corporation - SMBC (Nhật Bản) có ủng hộ Chủ tịch mới không, ông Lê Minh Quốc cho hay “điều này chỉ SMBC mới hiểu”, bởi ông nhiều lần yêu cầu trao đổi trực tiếp với lãnh đạo SMBC Tokyo nhưng “họ đã né tránh” một cách khó hiểu…
"Từ trước tới nay, tôi luôn tin tưởng SMBC là cổ đông nước ngoài, sở hữu 15% và có hai thành viên trong HĐQT Eximbank. Nhưng gần đây, tôi thực sự không hiểu động thái của họ khi mà một Thành viên HĐQT là ông Saitoh đột nhiên xin từ chức, trong khi vị này có tinh thần trách nhiệm rất cao và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống. Điều này kéo theo các biến động trong các phiên họp mà không có đầy đủ thành viên, dẫn đến một số ủy quyền và vô hình chung tạo cơ hội cho việc tổ chức ra phiên họp trái phép, sai thủ tục như trong thời gian qua", ông Quốc cho biết thêm.
Phản hồi thông tin của ông Lê Minh Quốc, đại diện Eximbank khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3/2019 để bổ nhiệm Bà Lương Thị Cẩm Tú là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp (Điều 53), cũng như Điều lệ Eximbank (Điều 44). Đồng thời, số lượng thành viên HĐQT tham dự (tại phiên họp ngày 22/3 và các phiên họp trước đó) cũng tuân thủ đúng quy định của pháp luật, trong đó có sự đồng thuận của 2 thành viên HĐQT đại diện cho cổ đông SMBC.
Cũng theo vị đại diễn trên, HĐQT Eximbank đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước và thực hiện việc công bố thông tin theo đúng quy định về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT mới. Về hoạt động kinh doanh, Eximbank cho biết, Ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định và tăng trưởng, trạng thái thanh khoản tốt với lượng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đạt hơn18.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa của Ngân hàng tăng gần 24% so với cuối năm 2018.
Đến cuối tháng 6/2018, SMBC là cổ đông chiến lược lớn nhất của Eximbank khi nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ Eximbank. Vietcombank là cổ đông lớn thứ hai nắm giữ hơn 101 triệu cổ phiếu EIB, tỷ lệ 8,19% vốn. Quỹ VOF Investment nắm giữ 5,97% vốn.