Các hoạt động thanh - kiểm tra toàn diện kéo dài trong năm 2015 và phần lớn thời gian của năm 2016 bên cạnh các tác động tích cực (giúp Ngân hàng từng bước minh bạch hóa tình hình hoạt động và tài chính trong những năm qua), cũng tạo ra những tác động bất lợi đến tâm lý của đội ngũ cán bộ nhân viên nói chung và ban điều hành nói riêng.
Năm qua, Eximbank đã thu hồi khoảng 3.500 tỷ đồng dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) theo kết luận thanh tra và thu hồi thêm trên 3.500 tỷ đồng dư nợ cấp tín dụng có khả năng rủi ro.
Đồng thời, Ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng dư nợ thông qua phát triển đội ngũ bán hàng và hoàn thiện chính sách bán hàng. Nhờ đó, dư nợ tăng thêm không những bù đắp được sự sụt giảm do những khoản nợ lớn được thu hồi trong năm, mà còn nâng tổng dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư năm 2016 tăng 2,5% so với cuối năm 2015, trong đó dư nợ bán lẻ tăng trưởng mạnh (12,6%), đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của hoạt động tín dụng.
Ngoài tín dụng là mảng kinh doanh chính, Eximbank còn tập trung tìm kiếm lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng như: kinh doanh dịch vụ, ngoại tệ, vàng, chứng khoán…, để nâng dần tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động này trong tổng thu nhập.
Trong đó, các hoạt động dịch vụ đều có sự tăng trưởng tốt: doanh số nhận tiền kiều hối tăng 44,8%; doanh số kinh doanh vàng tăng 25,7%; doanh số mua bán ngoại tệ với khách hàng tăng 17,8% so với năm trước đó…
Về hoạt động tái cấu trúc trong hệ thống, trong năm 2016, Eximbank đã khởi động dự án “Eximbank Mới”. Đây là dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank giai đoạn từ năm 2016 đến 2020. Ban Chỉ đạo tái cấu trúc và chiến lược đã được thành lập cùng với 5 thành viên Hội đồng quản trị để chỉ đạo và theo dõi tiến độ của dự án.
Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa cơ cấu tổ chức, nhằm tinh gọn bộ máy hoạt động, tăng tỷ lệ lực lượng nhân sự bán hàng, hoàn thiện các chính sách đãi ngộ cho cán bộ nhân viên, nhằm duy trì và phát triển nguồn nhân lực ổn định, chất lượng.
Vượt qua bao khó khăn, thử thách, Hội đồng quản trị, Ban điều hành Eximbank đã tập trung chỉ đạo hệ thống giữ vững hoạt động kinh doanh ổn định. Ngân hàng đã bắt đầu có những bước phát triển khả quan trên hầu hết các chỉ tiêu trọng yếu.
Hoạt động kinh doanh và dịch vụ đều có sự tăng trưởng, trong đó hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt, cơ cấu tài sản dịch chuyển theo hướng vững chắc hơn, đảm bảo an toàn thanh khoản và tuân thủ các chỉ số an toàn hoạt động, tích cực xử lý nợ quá hạn, nợ xấu dưới 3%. Kết thúc năm 2016, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn tại Eximbank là 53,23%. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 79,23%. Hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất là 17,12%.
Các chỉ tiêu kinh doanh đưa ra cho năm 2017 của Eximbank cũng khá thận trọng. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 dự kiến đạt 600 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với kết quả thực hiện năm 2016. Eximbank dự kiến sẽ tăng trưởng quy mô tổng tài sản lên 150.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Để đạt được mục tiêu trên, Eximbank đặt mục tiêu tăng trưởng từ khoảng 14% cho tín dụng (đạt 108.875 tỷ đồng).
Tín dụng năm 2017 dự báo cải thiện, Eximbank vừa phấn đấu tăng trưởng dư nợ vừa điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng giảm thiểu rủi ro; kiểm soát tín dụng ở lĩnh vực bất động sản, các dự án giao thông theo hình thức BOT; tập trung mở rộng tín dụng ngắn hạn ở lĩnh vực sản xuất, ngành nghề tiềm năng.
Thực tế, Eximbank hiện đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn do xung đột của các nhóm cổ đông lớn và danh mục cho vay đang giảm dần theo thời gian trong vài năm qua. Nhưng Ngân hàng đã rất tích cực bán nợ cho VAMC và hiện đang gánh chịu chi phí dự phòng rất lớn từ danh mục trái phiếu VAMC. Giá trị gốc và giá trị thuần sau dự phòng của trái phiếu VAMC chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,09% và 6,48% danh mục cho vay khách hàng cuối năm 2016.