Mục tiêu 2.000 tỷ đồng lợi nhuận
Eximbank là ngân hàng duy nhất trong số những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2020 bị sụt giảm cả tín dụng và tiền gửi khách hàng, giảm lần lượt 11% xuống 100.767 tỷ đồng và giảm 3,8% xuống 133.917 tỷ đồng. Thế nhưng, các mảng kinh doanh then chốt của Ngân hàng (mảng thẻ, bancasurance) đều đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội.
Trong đó, mảng thu phí thẻ đạt 127 tỷ đồng, tăng trưởng 144% so với năm 2019. Thu nhập phí bảo hiểm đạt 112 tỷ đồng, tăng trưởng 23%, góp phần đưa mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong 4 năm gần đây.
Theo ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng giám đốc Eximbank, năm vừa qua, dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, Eximbank đã có những kế hoạch dự phòng, nỗ lực thực hiện chuyển đổi để Ngân hàng có thể thích ứng trong bối cảnh mới, đặc biệt việc kiểm soát tốt rủi ro hiện hữu với những cải thiện liên tục trong hoạt động và tăng trưởng dài hạn ổn định. Thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến chiến lược, định hướng lại hoạt động theo các thế mạnh sẵn có để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, tái cấu trúc lại hiệu quả, phục hồi tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Nhờ những cải tiến trong vận hành, nên dù gặp phải không ít khó khăn do dịch bệnh, lợi nhuận trước thuế Eximbank tăng trưởng 22%, hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Về kế hoạch cho 2021, theo ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch HĐQT Eximbank, vừa qua, HĐQT đã ban hành nghị quyết đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh năm 2021 là 2.150 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 10%, dư nợ cấp tín dụng tăng 15% so với năm 2020 (Ngân hàng sẽ điều chỉnh trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có thông báo mức tăng trưởng tín dụng khác năm 2021).
Chúng tôi hiểu rằng, việc ưu tiên đầu tư nguồn lực và công nghệ cho công tác quản lý rủi ro tiệm cận các chuẩn mực tiên tiến nhất trên thực tiễn thị trường là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank
Eximbank cải thiện thu nhập từ lãi trên tổng tài sản có sinh lời thêm 10 - 20 điểm cơ bản trong năm 2021. Thu nhập ngoài lãi (gồm thu nhập thuần từ dịch vụ, thu nhập thuần kinh doanh ngoại hối) đặt mục tiêu tăng 15% so với năm 2020. Đồng thời, Eximbank cũng tăng cường công tác xử lý nợ và trích thêm dự phòng để tất toán hết nợ VAMC ngay quý I/2021. Tác động của những hành động quyết liệt này làm cho kết quả kinh doanh của quý I không cao như kỳ vọng, nhưng xử lý dứt điểm nợ VAMC thì gánh nặng dự phòng phải trích hàng năm trước đây sẽ không còn, giúp lợi nhuận trước thuế của Eximbank có thể đạt 2.150 tỷ đồng ngay năm 2021 và hứa hẹn tiếp tục cải thiện mạnh mẽ trong các năm tiếp theo.
Trước tình hình diễn biến dịch còn phức tạp, gây ảnh hưởng đến nợ xấu của ngành ngân hàng nói chung và Eximbank nói riêng, song ông Nguyễn Cảnh Vinh cho biết, sẽ khống chế tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,5%. Đồng thời, Ngân hàng có những kế hoạch dự phòng, nỗ lực thực hiện chuyển đổi để có thể thích ứng trong bối cảnh mới, đặc biệt việc kiểm soát tốt rủi ro hiện hữu với những cải thiện liên tục trong hoạt động và tăng trưởng dài hạn ổn định.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn vốn và hoạt động ổn định, Eximbank sẽ tiếp tục tối ưu và kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý, tốc độ tăng chi phí quản lý khoảng 16% (đã bao gồm chi phí tăng lương cho cán bộ nhân viên theo hệ thống lương bậc và kết quả KPI Talentnet tư vấn), thấp hơn tỷ lệ tăng thu nhập từ hoạt động gần 20%. Do đó, để đảm bảo hiệu quả, Eximbank sẽ chú trọng vào cải thiện biên cho vay, thu nhập ngoài lãi, triển khai các chương trình kinh doanh để tăng cường bán chéo, phát triển hệ sinh thái, đồng thời nâng cao tỷ lệ sinh lời của danh mục đầu tư.
Nhắm đến phân khúc khách hàng trung và thượng lưu
Ngoài những con số đáng chú ý, Eximbank cũng triển khai các hành động trong chiến lược ngân hàng. Cụ thể, phát triển khách hàng cá nhân hiện hữu và có tiềm năng, triển khai kinh doanh và phục vụ riêng các phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Trọng tâm sản phẩm và giá sẽ được định hình, thiết kế theo từng phân khúc.
Eximbank cũng chủ động triển khai những dự án lớn để thúc đẩy đà tăng trưởng toàn diện, như kế hoạch tái cấu trúc đơn vị kinh doanh; hướng đến giải quyết các tồn đọng lớn mà hệ thống vận hành đang gặp phải. Chẳng hạn, mô hình cơ cấu tổ chức cồng kềnh và nặng nề, năng suất hoạt động và năng suất vận hành thấp so với thị trường; chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng chưa tối ưu, kết quả kinh doanh thiếu sự bứt phá... Trong đó, dự án triển khai với 3 trụ cột lớn, gồm tái cấu trúc mô hình cơ cấu tổ chức; đào tạo, nâng cao năng lực; hiệu chỉnh quy trình, quy định.
Sau triển khai bước đầu, nhà băng ghi nhận những chuyển đổi lớn về năng lực chuyên môn nhân sự, cũng như tinh gọn bộ máy vận hành và cán bộ quản lý cấp trung. Chất lượng phục vụ trải nghiệm của khách hàng cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện tích cực.
Dự án mô hình dịch vụ chuyên biệt khách hàng ưu tiên được đánh giá là bước ngoặt quan trọng của Eximbank trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cho phân khúc khách hàng thượng lưu và trung lưu.
Đại diện Eximbank cho biết, việc mang đến những trải nghiệm riêng biệt cho đối tượng khách hàng cao cấp này cũng sẽ là trọng tâm và kim chỉ nam mà Ngân hàng hướng đến trong thời gian tới. Bên cạnh định hướng mới và những tăng trưởng ghi nhận, Eximbank còn ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng năng suất vận hành. Nhà băng đã hoàn tất triển khai các dự án vận hành tập trung, như tiếp quỹ tập trung, quản lý tài sản bảo đảm tập trung tại Hà Nội và TP.HCM, tập trung vận hành thẻ.
Về mảng công nghệ thông tin, Eximbank đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho việc kinh doanh và vận hành, như nâng cấp dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp đem lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; tăng cường bảo mật thông tin với hệ thống xác thực Smart-OTP; tối ưu hóa thao tác xử lý giao dịch quầy, hay triển khai hệ thống tiếp xúc khách hàng qua tổng đài thoại, mạng xã hội...
Eximbank nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng nền tảng công nghệ và gia tăng tiện ích. Từ đó, thu hút khách hàng chuyển tiền về tài khoản mở tại Eximbank nhiều hơn, tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn.
Ông Cảnh Vinh cho biết, hiện Eximbank đáp ứng chuẩn mực quốc tế trong quản trị rủi ro, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước.
“Chúng tôi hiểu rằng, việc ưu tiên đầu tư nguồn lực và công nghệ cho công tác quản lý rủi ro tiệm cận các chuẩn mực tiên tiến nhất trên thực tiễn thị trường là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững", ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, Eximbank triển khai hệ thống kiểm soát nội bộ và đánh giá nội bộ về mức đủ vốn, kiểm tra sức chịu đựng theo tư vấn của Công ty Kiểm toán KPMG từ năm 2019 - 2020. Kết quả cho thấy, Ngân hàng có thể vượt qua các kịch bản kiểm tra sức chịu đựng khi tình hình kinh tế diễn biến bất lợi. Đây cũng là cách các ngân hàng hàng đầu tại các thị trường phát triển áp dụng trong quản trị và điều hành ngân hàng.
Không chỉ có hoàn thiện phương pháp luận, chính sách, quy định, quy trình, cơ cấu tổ chức, Eximbank còn xây dựng các công cụ, mô hình thực tiễn để đo lường và giám sát rủi ro theo yêu cầu của Thông tư 13, áp dụng thực tế trong các hoạt động kinh doanh hàng ngày bắt đầu từ cuối năm 2020. Vì vậy, dù trong bối cảnh dịch bệnh tác động, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất của Eximbank cuối năm 2020 vẫn đạt 11,81%, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41 là 8%.