Trước đó, ngày 29/2, UBND TP.HCM đã có văn bản cho biết trong thời gian qua, nơi này đã ban hành nhiều công văn về tăng cường các biện pháp phòng chống trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Trong các văn bản cũng nêu rõ hạn chế tụ tập đông người.
Xét đề nghị của Eximbank và ý kiến của Sở Y tế, đồng thời căn cứ chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho rằng, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đề nghị Eximbank không tổ chức ĐHCĐ bất thường trong thời điểm hiện nay.
Đến nay, Eximbank vẫn chưa tổ chức thành công ĐHCĐ năm 2019 do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Do vậy trong năm nay ngân hàng này phải tổ chức hai lần đại hội cổ đông.
Theo lịch trước đó, Eximbank dự kiến tổ chức ĐHCĐ bất thường vào tháng 5/3 nhằm bầu bổ sung một thành viên HĐQT vào nhiệm kì 2015-2020 và ĐHCĐ thường niên vào tháng 4/2020. Tuy nhiên, đến sát ngày tổ chức ĐHCĐ bất thường, Ngân hàng lại thông báo hoãn vì dịch COVID-19.
Năm 2019, Eximbank tổ chức ĐHCĐ cuối tháng 4/2019 nhưng bất thành. Sau đó, Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5/2020 nhưng lại phải dời vì không chuẩn bị kịp. Đến ngày 21/6/2019, Eximbank tổ chức ĐCHĐ lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa.
Đáng chú ý, chỉ ít ngày sau khi đại hội cổ đông lần 2 của Eximbank tổ chức bất thành lại xuất hiện lá đơn xin từ chức của ông Cao Xuân Ninh - tân Chủ tịch HĐQT.
Lý do ông Ninh nêu ra là "có quá nhiều bất đồng khó dung hòa dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và hoạt động của ngân hàng".
Mặc dù chưa tiến hành được ĐHCĐ bất thường cũng như chưa tiến hành thành công ĐHCĐ thường niên 2019, HĐQT Eximbank đã công bố dự thảo báo cáo ĐHCĐ thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020.
Theo đó, năm 2020, HĐQT Eximbank dự kiến tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, huy động vốn đạt 161.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng dự kiến đạt 127.345 tỷ đồng. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 1,8%, lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng tất toán trái phiếu VAMC là 2.400 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 3/3, cổ phiếu EIB đảo chiều giảm 1,1% xuống 17.500 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh 120.610 đơn vị.