Eximbank (EIB): Ngày 15/2 sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 thành công?

Eximbank (EIB): Ngày 15/2 sẽ tiến hành ĐHCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 thành công?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 15/2 tới, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank: mã EIB) dự kiến tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai.

Khó tìm được tiếng nói chung

Trước thềm đại hội này, cổ đông nhỏ lẻ, nhà đầu tư, giới quan sát, thị trường kỳ vọng vào khả năng thành công, vì sau một thời gian dài Eximbank chưa thể tiến hành thành công ĐHĐCĐ, song cũng không loại trừ thất vọng như những lần thất bại nhiều năm qua.

Bởi các nhóm cổ đông lớn không tìm được “tiếng nói” chung khiến ngân hàng không thể tiến hành thành công đại hội thường niên năm 2020, 2021 và nhân sự cấp “thượng tầng” biến động. Cùng với đó, cổ đông chiến lược nước ngoài có ý định thoái lui... khiến hoạt động của ngân hàng tăng trưởng chậm lại so với nhà băng cùng quy mô.

Các thông tin đưa ra, hiện Eximbank có 4 nhóm cổ đông lớn, cùng với cổ đông chiến lược nước ngoài – SMBC. Nhưng ngoài SMBC, 4 nhóm cổ đông lớn còn lại đều không bên nào chịu bên nào. Đây cũng là lý do khiến ĐHCĐ Eximbank bất thành.

Trước đó, ngày 24/11/2021, Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank đã chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền đề cử nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Số lượng nhân sự HĐQT Eximbank dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Trong khi số lượng nhân sự Ban kiểm soát dự kiến bầu là 3 thành viên.

Thời gian Eximbank gửi thông báo cho cổ đông về việc đề cử nhân sự dự kiến được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025) là ngày 30/11/2021. Kế hoạch Ngân hàng dự kiến tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2/2022 để tiến hành bầu thành viên HĐQT và BKS sau khi trình hồ sơ nhân sự được đề cử lên Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022.

Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27/4/2021 đã không thể diễn ra do không đủ túc số tham dự. Theo tài liệu của cuộc họp này, Eximbank dự kiến bầu mới 4 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2020 - 2025 là các lãnh đạo của Thành Công Group, Chứng khoán Rồng Việt gồm bà Lê Hồng Anh, ông Đào Phong Trúc Đại, ông Nguyễn Hiếu và ông Yasuo Takeuchi.

Trong khi đó, cả 9 thành viên HĐQT hiện nay gồm các ông bà Yasuhiro Saitoh, Nguyễn Quang Thông, Lê Quốc Minh, Cao Xuân Ninh, Đặng Anh Mai, Hoàng Tuấn Khải, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết, Lương Thị Cẩm Tú đều không có tên trong danh sách đề cử.

Vào cuối tháng 7/2021, Eximbank đã lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 2 và một cuộc họp bất thường, tuy nhiên vẫn bất thành do ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Theo tài liệu của cuộc họp bất thường nói trên, một nhóm cổ đông dự định trình đại hội đề nghị miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 bao gồm: ông Yasuhiro Saitoh, ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, ông Lê Văn Quyết, ông Ngô Thanh Tùng. Tuy nhiên, đến nay Eximbank vẫn chưa thể tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2021.

Không chỉ HĐQT mà ngay cả Ban điều hành của Eximbank cũng nhiều năm “khuyết” vị trí Tổng giám đốc. Mới đây, HĐQT Eximbank quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng giám đốc của Ngân hàng từ 8/9 sau khi đã được phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, sau 2 năm kể từ khi ông Lê Văn Quyết rời ghế Tổng giám đốc để nhận nhiệm vụ mới vào tháng 6/2019, sau đó, Eximbank bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh - Phó tổng giám đốc thường trực (nhân sự dự kiến giữ chức danh Tổng giám đốc - làm quyền Tổng giám đốc Eximbank) thì cho đến nay, Eximbank mới chính thức có quyết định bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc.

Cổ phiếu tăng nhờ chuyện riêng...

Tuy vậy, trên thị trường chứng khoán, thị giá EIB của Eximbank đã bật tăng khoảng 16% kể từ đầu tháng 11/2021 và kết phiên giao dịch trước kỳ nghĩ tết Nhâm Dần (ngày 28/1/2022) giá cổ phiếu EIB đạt mức kỷ lục 37.450 đồng/cổ phiếu.

EIB là mã cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao nhất nhì nhóm cổ phiếu “vua” trong khoảng một quý trở lại đây, với mức tăng gần 50%. Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng đột biến khi gấp 2-3 lần giai đoạn trước đó. Đáng chú ý hơn, ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra sôi động trong thời gian gần đây.

Liên quan đến giao dịch “khủng” cổ phiếu EIB gần đây khi xuất hiện thông tin cổ đông chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC (Nhật Bản) sẽ chuyển nhượng 15% cổ phần tại EIB cho một đối tác trong nước là DOJI. Tuy nhiên, DOJI đã bác bỏ thông tin mua lại 15% cổ phần EIB.

Về SMBC, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với cuộc chiến vương quyền chưa có hồi kết tại Eximbank. SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong HĐQT vào cuối năm 2019.

Cụ thể, ông Yutaka Moriwaki, kể từ ngày 9/12/2019, đã không còn là đại diện theo ủy quyền của SMBC tại Eximbank và không còn là Thành viên HĐQT Eximbank. Còn ông Yasuhiro Saitoh, Chủ tịch đương nhiệm Eximbank hiện không phải là đại diện cho nhóm cổ đông nước ngoài SMBC.

Trước đó, ngày 17/5/2019, SMBC gửi văn bản cho HĐQT Eximbank cũng nêu rõ “từ ngày 18/5/2019, ông Yasuhiro Saitoh không còn là một viên chức, nhân viên, người được uỷ nhiệm hay đại diện của SMBC”.

Sau 13 năm trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài và gắn bó với Eximbank, SMBC đã không đạt được kỳ vọng, do nhiều năm nhà băng này không thể chia cổ tức do thua lỗ, nợ xấu tăng và giữa các nhóm cổ đông lớn trong nước không tìm được tiếng nói chung.

Vả lại, theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam, một đối tác tài chính nước ngoài không thể cùng lúc là cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần/mỗi ngân hàng của hai tổ chức tín dụng.

Vì vậy, để có cơ hội trở thành cổ đông chiến lược của một ngân hàng khác của Việt Nam, SMBC phải thoái vốn khỏi Eximbank, nơi họ đã đầu tư 225 triệu USD từ năm 2008 để tìm kiếm cơ hội mới.

Và VPBank trở thành cái tên được chú ý khi cho rằng, SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank để chuyển sang hợp tác với VPBank. Đáng chú ý, khi VPBank khóa “room” ngoại ở mức 15% để chuẩn bị chào bán cổ phần riêng lẻ.

Mặc dù chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược, nhưng VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới.

Mới đây, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời, cuối tháng 10/2021, VPBank nhận liên tiếp 2 khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia SMBC, tổng giá trị 300 triệu USD.

Dù lợi nhuận bị tác động

Chính cuộc tranh giành vương trình chưa có hồi kết tại Eximbank đã khiến cho hoạt động Eximbank khó lấy lại phong độ như các nhà băng cùng quy mô.

Trước khi năm tài chính 2021 kết thúc, Eximbank bất ngờ giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận 2021 ngay sát giờ chốt sổ. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu và giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.

Chỉ tiêu tổng tài sản hạ 5,6% xuống còn 167.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) giảm nhẹ 1% xuống 115.790 tỷ đồng. Chỉ tiêu huy động vốn giảm 5,7% xuống 139.500 tỷ đồng.

Eximbank cho biết, kết thúc năm 2021, tổng tài sản năm ngân hàng đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, dư nợ cấp tín dụng của Eximbank năm qua đạt 115.790 tỷ đồng, tăng đến 13% so cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo Eximbank, sở dĩ tín dụng của Ngân hàng tăng cao trong quý cuối năm 2021 là do nhu cầu vốn của khách hàng tăng.

Eximbank đã hai lần trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xin nới room và được cấp thêm 2 lần tổng cộng lên 13% so với room được duyệt đầu năm qua là 6,5%.

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%. Sở dĩ nợ xấu của Eximbank vẫn ở mức dưới 2% do sau khi mua lại nợ xấu từ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC), ngân hàng chưa thể xử lý, thu hồi được nợ.

Theo lãnh đạo Eximbank do trong năm qua ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 thứ 4 nên Ngân hàng chưa xử lý và thu hồi được các khoản nợ xấu này.

Vì thế, các khoản dự phòng chưa thể hoàn nhập nên lợi nhuận của Eximbank năm 2021 chỉ đạt mức 1.100 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021, Hội đồng quản trị Eximbank đã có Nghị quyết thông qua đề xuất của ban điều hành về kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Trong đó, ngân hàng đề ra mục tiêu tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn dự kiến đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2021; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5% đạt 115.700 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế năm 2022 dự kiến là 2.500 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2021. Thu nhập ngoài lãi tăng 216 tỷ lên 1.159 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của Eximbank hiện được cho là một số nhóm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ nhóm nhà đầu tư liên quan đến Nam A Bank sở hữu lượng cổ phần xấp xỉ 38-39%.

Còn tỷ lệ cổ phần Eximbank của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một doanh nhân phía Bắc, của nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà Ngô Thu Thúy và quỹ VOF do VinaCapital quản lý cùng với một số pháp nhân và thể nhân nước ngoài khác khoảng trên 40%.

Vietcombank nắm giữ 4,82% cổ phần Eximbank và đứng ở vị trí trung lập. Còn lại đối tác nước ngoài SMBC đang nắm giữ 15% cổ phần Eximbank.

Tin bài liên quan