Trong quý II/2024, động lực tăng trưởng của ngân hàng đến từ các mảng kinh doanh chính như tín dụng, kinh doanh ngoại hối... Cụ thể, thu nhập lãi thuần đóng góp đáng kể vào lợi nhuận ngân hàng với hơn 1.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối mang về gần 282 tỷ đồng, tăng 265,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng 181,5% mang về cho ngân hàng 89,2 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi từ dịch vụ giảm 11% (tương đương hơn 115 tỷ đồng), còn 103 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 142 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 1.970 tỷ đồng, tăng 59,5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động (tăng 14%), lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.105 tỷ đồng, tăng 131,8%.
Eximbank dùng 202 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 19% so cùng kỳ), nhưng Ngân hàng này vẫn lãi trước thuế gần 904 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế gần 2.378 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng cho cả năm 2024, Eximbank mới thực hiện được 46% mục tiêu dù đã qua 9 tháng.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 223.684 tỷ đồng, tăng 11%, trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng 13,6%, lên 159.483 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng từ 156.329 tỷ đồng hồi đầu năm lên 167.270 tỷ đồng, tăng tương ứng 7%.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Eximbank vào cuối quý III ở mức 4.318 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm trước, đưa tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,65% lên 2,71%. Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 51% so với cùng kỳ năm trước từ 1.868 tỷ lên 2.825 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu EIB có chuỗi tăng khá ấn tượng từ giữa tháng 10 trước khi chịu áp lực chốt lời và điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần qua. Chốt phiên cuối tuần (25/10), cổ phiếu EIB giảm 2,57% xuống 20.850 đồng.