Theo thông tin gửi UBCKNN và HOSE, HĐQT Eximbank cho biết, ngày 5/4 Ngân hàng vừa nhận được đơn từ nhiệm của hai thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng, vì lý do cá nhân.
Được biết, trong quá trình nhận nhiệm vụ tại Eximbank, ông Thanh Hùng và ông Nguyễn Hiếu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của Eximbank.
Tuy nhiên, vì lý do cá nhân nên ông Hùng không thể tiếp tục tham gia HĐQT tại ngân hàng.
Trước đó, vào tháng 03/2023, ông Hùng cũng đã từ nhiệm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, HoSE: TCD).
Với ông Nguyễn Hiếu, trước đây là đại diện cho 1 nhà đầu tư, hiện nay theo nguồn tin thì nhà đầu tư này đã bán hết cổ phần tại Eximbank cho 1 nhà đầu tư khác.
Việc từ nhiệm của các thành viên HĐQT nêu trên sẽ được Đại hội đồng cổ đông của Eximbank thông qua theo quy định của pháp luật.
Theo kế hoạch, ngày 14/4/2023 tới đây, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tại Gem Center (quận 1, TP.HCM).
Theo tài liệu đã công bố, kế hoạch kinh doanh năm 2023 đã được HĐQT thông qua tại Nghị quyết số 461A/2022/EIB/NQT-HĐQT ngày 2/12/2022 với các chỉ tiêu tổng tài sản và lợi nhuận trước thuế đều tăng mạnh.
Cụ thể, tổng tài sản năm 2023 đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022. Huy động vốn cuối kỳ đạt 165.000 tỷ đồng (tăng 11%), dư nợ cấp tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng (tăng 12,3%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6% và lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 34,5%
Về kết quả kinh doanh năm 2022, Eximbank đã vượt nhiều chỉ tiêu đề ra với tổng tài sản đạt 185.056 tỷ đồng, tăng hơn 11,6% so với thực hiện của năm 2021 và vượt 3% chỉ tiêu kinh doanh. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế công ty đạt 3.709 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu đề ra và tăng 207,7% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả này, lợi nhuận của Eximbank năm 2022 gấp ba lần so với đạt được của năm 2021.
Eximbank cho biết, năm 2022, Ngân hàng đã giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho vay phục vụ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất kinh doanh đã giúp cho ngân hàng tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần an toàn thanh khoản, hạn chế được rủi ro đánh giá lại tài sản đầu tư khi lãi suất tăng nhanh.