Theo đó, Ngân hàng dự kiến tổng tài sản năm 2021 tăng 10% so với năm 2020, đạt 177.000 tỷ đồng. Huy động vốn dự kiến tăng 10% đạt 148.000 tỷ đồng.
Dư nợ cấp tín dụng tăng khoảng 15% lên 117.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng kiểm soát không quá 2,5% tổng dư nợ.
Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế, năm 2021, Eximbank đặt kế hoạch đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020.
Trước đó, năm 2020, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 1.399 tỷ đồng, tăng 22,3% so với năm trước, lãi ròng đạt 1.070 tỷ đồng.
Eximbank là ngân hàng duy nhất trong số những ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính năm 2020 bị sụt giảm cả dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng, giảm lần lượt 11% xuống 100.767 tỷ đồng và giảm 3,8% xuống 133.917 tỷ đồng.
Eximbank dự kiến sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 lần 3 và ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào 2 ngày liên tiếp 26 - 27/4/2021 tại Hà Nội.
Trước đó, Eximbank đã nhiều lần tiến hành ĐHCĐ trong 2 năm 2019 - 2020, nhưng đều không thành công, do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành đại hội.
Eximbank thông báo tổ chức ĐHĐCĐ thường niên gần đây nhất là hồi đầu tháng 12/2020, tuy nhiên cuộc họp bị hoãn vì lý do phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng này nên nhiều khả năng ĐHCĐ lần này của Eximbank khó có thể diễn ra.
Mâu thuần giữa các nhóm cổ đông Eximbank vẫn còn gay gắt khi một số nhóm cổ đông liên tục có văn bản đề nghị thanh lọc HĐQT.
Trong đó một nhóm cổ đông sở hữu trên 10% vốn đề nghị HĐQT đưa vào chương trình họp ĐHCĐ thường niên 2020 tổ chức vào ngày 15/12/2020 việc miễn nhiệm đối với 4 thành viên HĐQT là các ông Yasuhiro Saitoh, Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh và Lê Văn Quyết.
Nhưng đến nay, các vấn đề trên vẫn chưa được giải quyết, do chưa có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn của Eximbank.
Chốt phiên sáng ngày 4/3, giá cổ phiếu EIB của Eximbank đứng ở mức 18.100 đồng/cổ phiếu.