Eximbank: Đại hội rối ren, giá cổ phiếu duy trì vùng đỉnh

Eximbank: Đại hội rối ren, giá cổ phiếu duy trì vùng đỉnh

(ĐTCK) Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã trải qua hai lần thất bại, bởi các cổ đông lớn chưa tìm được “tiếng nói chung”, nhất là vấn đề “ghế nóng”. Dù lịch cho đại hội lần ba chưa chốt, nhưng ngạc nhiên là giá cổ phiếu vẫn duy trì ở vùng đỉnh.

Theo quy định, tỷ lệ cổ đông tham dự đại hội lần nhất phải đáp ứng tối thiểu 65% và lần hai là 51%. Lần thứ ba, Eximbank sẽ phải triệu tập cổ đông tiến hành họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường để thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 cũng như bầu cử vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cụ thể, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 144, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, điều kiện để nghị quyết ĐHCĐ được thông qua phải đảm bảo được số cổ đông đại diện ít nhất 65% hoặc 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, tùy thuộc từng vấn đề biểu quyết.

Khoản 2, Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Eximbank: Đại hội rối ren, giá cổ phiếu duy trì vùng đỉnh ảnh 1

Thế nhưng, đến ngày 10/7/2019, Eximbank vẫn chưa có thông báo về việc triệu tập đại hội tiếp theo để thông qua chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 cũng như vị trí “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT.

Tại cuộc họp ĐHCĐ lần 2 của Eximbank ngày 21/6/2019, cổ đông yêu cầu bãi nhiệm Chủ tịch Eximbank đối với ông Cao Xuân Ninh - người được Hội đồng quản trị bầu vào “ghế nóng” trước đó khoảng 1 tháng.

Cụ thể, Hội đồng quản trị Eximbank đã ban hành nghị quyết về việc bầu ông Cao Xuân Ninh, thành viên HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay cho ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân kể từ ngày 22/5/2019. Ngoài ra, HĐQT Eximbank có nghị quyết về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh, Phó tổng giám đốc thường trực làm Quyền Tổng giám đốc.

Tuy nhiên, trước khi ĐHCĐ lần 2 khai mạc, cổ đông Eximbank yêu cầu thẩm định tư cách của Chủ tịch HĐQT bằng cách lấy ý kiến biểu quyết của các cổ đông. Chủ tọa đoàn đại hội không đồng ý việc này.

Ông Cao Xuân Ninh cho biết, việc HĐQT bầu ông vào ghế chủ tịch là hợp pháp và đúng quy định của pháp luật. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT Eximbank, đồng thời là chủ tọa đoàn đại hội, ông mong muốn ĐHCĐ diễn ra tốt đẹp.

Mặc dù vậy, nhiều cổ đông Eximbank không chấp nhận tư cách Chủ tịch HĐQT, ngoài ra, tỷ lệ cổ đông đồng ý biểu quyết Ban kiểm phiếu và Tổ giám sát kiểm phiếu ĐHCĐ lần hai chỉ đạt 39,85%, tỷ lệ không đồng ý lên đến 55,09%. Do đó, Eximbank phải hủy họp ĐHCĐ lần 2.

Được biết, khi ông Cao Xuân Ninh chưa được bầu vào vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank, ghế “nóng” của nhà băng này liên tục thay đổi trong vòng 2 tháng. Cụ thể, Nghị quyết số 112 do HĐQT Eximbank ban hành ngày 22/3/2019 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT vào vị trí Chủ tịch HĐQT, thay ông Lê Minh Quốc. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, ông Lê Minh Quốc có đơn gửi Tòa án nhân dân TP.HCM và tòa đã ra quyết định khẩn cấp tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112.

Ngày 15/5/2019, HĐQT Eximbank ra Nghị quyết số 231 do ông Lê Minh Quốc ký, chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112 ngày 22/3/2019.

Ngày 29/3/2019, phía Eximbank có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng, khẳng định việc Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý vụ án tranh chấp thành viên công ty là không phù hợp và yêu cầu hủy bỏ toàn bộ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cuối cùng, cả ông Quốc và bà Tú đều rời ghế “nóng” và thay vào đó là ông Cao Xuân Ninh lên nắm vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Mặc dù tình hình nhân sự cấp cao tại Eximbank biến động, kết quả kinh doanh quý I/2019 suy giảm, đại hội lần 3 chưa được tổ chức, nhưng trên sàn chứng khoán, cổ phiếu EIB của ngân hàng này duy trì ở vùng giá cao kỷ lục kể từ khi lên sàn. Tại ngày 10/7/2019, cổ phiếu EIB là 18.500 đồng/cổ phiếu, tăng 32% so với đầu năm.    

Tin bài liên quan