Ngày 30/3, Eximbank có văn bản báo cáo NHNN, cho biết ngay sau vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình, ngân hàng này đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các khoản rút tiền tiết kiệm có giá trị lớn từ 2 tỷ đồng trở lên, hoặc rút tiền từng phần và rút tiền theo ủy quyền.
Trước đó, ngày 29/3, Eximbank đã ban hành công văn số 2191/2018/EIB/TB-TGĐ về việc bổ sung quy định đăng ký xác thực bằng vân tay khi lập văn bản ủy quyền, áp dụng đối với khách hàng cá nhân, theo đó khi khách hàng lập văn bản ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản, bên cạnh việc thực hiện theo đúng các quy định hiện hành về ủy quyền thì chi nhánh, phòng giao dịch phải yêu cầu người ủy quyền và người được ủy quyền đăng ký xác thực bằng vân tay của Eximbank.
Đồng thời, Eximbank sẽ luân chuyển cán bộ quản lý hồ sơ khách hàng, kiểm soát viên phê duyệt trong cùng Chi nhánh, Phòng giao dịch. Thậm chí, Eximbank đã có chủ trương xem xét luân chuyển kiểm soát viên giữa các chi nhánh, phòng giao dịch trên cùng địa bàn; luân chuyển cán bộ lãnh đạo tại các đơn vị kinh doanh.
Ngân hàng này cũng đồng thời triển khai cơ chế giám đốc lưu động để điều hành thay giám đốc chi nhánh hiện hữu trong một thời gian nhất định nhằm kiểm tra, phát hiện các sai sót trong quá trình hoạt động của chi nhánh để chấn chỉnh kịp thời.
Eximbank còn ban hành chế tài thật nghiêm để đủ sức răn đe đối với cán bộ công nhân viên để hạn chế sai sót trong quá trình tác nghiệp.
Đối với công tác xác nhận số dư cho khách hàng lớn sẽ do Hội sở Eximbank thực hiện (khi khách hàng có yêu cầu) bằng văn bản hoặc qua email, tin nhắn SMS.
Đáng chú ý, Eximbank bổ sung quy định scan và lưu giấy ủy quyền trên hệ thống corebanking; xây dựng ứng dụng truy vấn số dư tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn trên website của Eximbank.
Cụ thể, khách hàng sẽ đăng ký dịch vụ với Eximbank 1 lần duy nhất. Sau đó, khách hàng có thể vào website để tra cứu thông tin tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn sau khi hoàn tất việc điền các thông tin do Eximbank quy định.