Tăng trích dự phòng rủi ro
Năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, song các hoạt động kinh doanh của Eximbank vẫn đạt được kết quả tích cực. Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của Eximbank đạt 152.652 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2017. Huy động vốn đạt 118.694 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2017. Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 104.118 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2017. Tỷ lệ nợ xấu là 1,85%, giảm so với mức 2,27% trong năm 2017. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 1.731 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là 1.600 tỷ đồng.
Eximbank cho biết, lợi nhuận trước thuế kế hoạch năm 2018 trình Đại hội đồng cổ đông không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tiền gửi. Khi lập kế hoạch năm 2018, Ngân hàng chưa có cơ sở pháp lý (phán quyết của Toà án) để đưa vào kế hoạch chi phí của năm và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng bổ sung đối với nợ đã bán cho VAMC. Vì vậy, Eximbank đã điều chỉnh lợi nhuận trước thuế năm 2018 xuống còn 827 tỷ đồng, sau khi trích lập trái phiếu VAMC và rủi ro tài chính 904 tỷ đồng.
Các chỉ số an toàn hoạt động của Eximbank trong năm 2018 đều được đảm bảo. Cụ thể, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn gần 34%. Hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 15%. Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi gần 77%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 2%.
Mặc dù năng suất và hiệu quả của Eximbank đã được cải thiện trong 2 - 3 năm vừa qua, nhưng chúng tôi vẫn đang ở phía sau các ngân hàng hàng đầu trên thị trường
Ông Yutaka Moriwaki, Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank kiêm Trưởng ban Dự án “New Eximbank”
Theo Eximbank, Ngân hàng đã nghiêm túc thực hiện việc khắc phục, chỉnh sửa các kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước tại Kết luận Thanh tra. Tính đến ngày 18/2/2019, Eximbank đã thực hiện chỉnh sửa được 401/425 kiến nghị của Đoàn Thanh tra, tỷ lệ đạt 94%.
Trong đó, một số nội dung kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước mà Eximbank đã thực hiện đến nay bao gồm: thu hồi được trên 20 tỷ đồng tiền thù lao của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát trên tổng số tiền gần 81 tỷ đồng; dự án trụ sở tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm (Quận 1, TP.HCM), Eximbank đã ký hợp đồng dịch vụ thuê Công ty Savills Việt Nam tư vấn và tìm nhà đầu tư cho dự án. Về thoái vốn đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu STB của Sacombank, Eximbank đã hoàn tất việc thoái vốn từ tháng 1/2018.
Năm 2019, Hội đồng quản trị Eximbank dự kiến thu về 1.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, sau khi dành 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho khoản dự phòng trái phiếu VAMC; tăng trưởng tín dụng 11%; tổng huy động vốn tăng 21%; tổng tài sản tăng 18,6% so với năm 2018.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
“Mặc dù năng suất và hiệu quả của Eximbank đã được cải thiện trong 2 - 3 năm vừa qua, nhưng chúng tôi vẫn đang ở phía sau các ngân hàng hàng đầu trên thị trường”, ông Yutaka Moriwaki, Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank kiêm Trưởng ban Dự án “New Eximbank” (Eximbank mới) đánh giá.
Tuy nhiên, ông Yutaka Moriwaki và đội ngũ vẫn lạc quan khi Eximbank đã có định hướng chiến lược kinh doanh rõ ràng cùng với sự ủng hộ và cam kết mạnh mẽ từ Ban lãnh đạo cấp cao. Sau 2 năm khởi động dự án “New Eximbank” từ đầu năm 2017, Ngân hàng đã hiện thực hóa nhiều sáng kiến như lần đầu tiên xây dựng chiến lược trung hạn.
Đáng chú ý, Eximbank mạnh tay thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng cường tương tác từ hội sở đến hệ thống mạng lưới. Ngoài ra, khối công nghệ vận hành triển khai thành công hệ thống CoreBanking mới, là nền tảng quan trọng cho cơ hội tăng trưởng trong tương lai. Đồng thời, Eximbank triển khai hệ thống đánh giá kết quả công việc (KPI) và hệ thống tiền lương mới, nhằm đảm bảo sự công bằng và minh bạch, qua đó củng cố hệ thống nhân sự dựa trên hiệu quả công việc. Trong suốt dự án “New Eximbank”, Ngân hàng đã không cắt giảm bất cứ nhân sự nào, mà chú trọng vào việc tạo động lực cho nhân sự để nâng cao năng suất lao động.
“Đây vẫn là những bước đi đầu tiên của Eximbank trong hành trình trở thành ngân hàng chất lượng hàng đầu tại Việt Nam”, ông Yutaka Moriwaki nói.
Liệu Eximbank có thể trở lại “đường đua” vào 2020 là câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Bởi lẽ, năm 2020 là thời điểm nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị Eximbank hiện tại kết thúc. Trên thực tế, Eximbank đã từng đứng ở vị trí thứ 5, thứ 6 trên bảng xếp hạng quy mô các ngân hàng tại Việt Nam, tuy nhiên giai đoạn 2015 - 2016, Ngân hàng đã rơi xuống vị trí thứ 15 và leo lên vị trí 13 vào năm 2017.
Eximbank đang trong quá trình thực hiện chiến lược tái cấu trúc đến năm 2020 với 4 mục tiêu trọng tâm. Đó là, tập trung xử lý tồn đọng, đưa Eximbank về mức chuẩn của ngân hàng bình thường; chặn đà suy giảm và từng bước nâng thị phần trở lại trong Top 10 đơn vị hàng đầu; cải tổ toàn bộ hệ thống quản trị nội bộ, minh bạch hóa toàn bộ hoạt động; cuối cùng là cấu trúc lại tài sản của Ngân hàng, đặc biệt là tài sản nợ, có theo hướng bền vững, an toàn.
Eximbank kỳ vọng, đến năm 2020, Ngân hàng có thể trở lại mặt bằng hoạt động ổn định và bền vững. Thực tế, Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020 khi mới tiếp nhận đã vấp phải nhiều khó khăn và thử thách khi năm 2015, Ngân hàng phải tập trung xử lý các tồn đọng cũ như việc điều chỉnh lợi nhuận từ những năm 2010 - 2013 chưa được ghi nhận đến thời điểm 31/12/2015 làm phát sinh khoản lỗ lũy kế hơn 800 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2017, Eximbank đã xóa được khoản lỗ lũy kế này qua 3 năm thực hiện tái cấu trúc và hơn 1 năm thực hiện dự án “Eximbank mới”.
Cụ thể, lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính hợp nhất tại ngày 31/12/2014 là 834,5 tỷ đồng được bù đắp bởi lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ qua các năm của Ngân hàng như năm 2015 là 22 tỷ đồng, năm 2016 là 242,8 tỷ đồng và năm 2017 là 483,1 tỷ đồng. Sau khi bù đắp hết lỗ lũy kế, Eximbank còn lại 158,5 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại chưa phân phối để dự phòng.
Hiện tại, Eximbank gặp khó khăn trong việc xây dựng các chiến lược kinh doanh dài hạn do xung đột của các nhóm cổ đông lớn và danh mục cho vay giảm dần trong vài năm qua. Tuy nhiên, Ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu (dẫn đến chi phí dự phòng lớn từ danh mục trái phiếu VAMC) và nhiều mặt hoạt động đang dần ổn định và tăng trưởng.