EVNGENCO3 (PGV) dự kiến chi 1.460 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021

EVNGENCO3 (PGV) dự kiến chi 1.460 tỷ đồng trả cổ tức năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) EVN GENCO3 trình cổ đông phương án chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 13%. Con số trên vượt xa mức cổ tức dự kiến Tổng công ty trình cổ đông tại Đại hội năm trước (tối thiểu 7%).

Cổ tức năm 2021 cao nhất kể từ khi hoạt động

Theo phương án phân phối lợi nhuận gửi cổ đông trước thềm Đại hội thường niên năm 2022 tổ chức vào ngày 14/6, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3 - mã chứng khoán PGV) trình kế hoạch chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 13%. Với gần 1,12 tỷ cổ phiếu lưu hành, cổ đông của EVNGENCO3 dự kiến sẽ nhận tổng cộng hơn 1.460 tỷ đồng cổ tức.

Con số trên vượt xa mức cổ tức dự kiến Tổng công ty trình cổ đông tại Đại hội năm trước (tối thiểu 7%) và cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Tổng công ty.

Năm 2021, dù gặp khó khăn vì nhu cầu phụ tải giảm thấp do đại dịch, EVNGENCO3 vẫn ghi nhận kết quả lợi nhuận tích cực. Tổng doanh thu đạt 37.072 tỷ đồng, lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện trước thuế (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) của công ty mẹ nhờ đó đạt 2.516 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng so với kết quả năm 2020 và vượt xa gần 58% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt là 3.022 tỷ đồng, tăng 78% so với năm trước.

Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ EVNGENCO3 ba năm gần đây – Đơn vị: Tỷ đồng
Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ EVNGENCO3 ba năm gần đây – Đơn vị: Tỷ đồng

Công ty mẹ EVNGENCO3 đặt mục tiêu sản lượng điện kế hoạch năm là 28,472 tỷ kWh, tăng khoảng 10% so với kết quả thực hiện năm 2021. Tổng doanh thu của công ty mẹ EVNGENCO3 kế hoạch là 45.417 tỷ đồng.

Kế hoạch lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh điện trước thuế (chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá) là 1.905 tỷ đồng, cao hơn 19,4% so với kế hoạch công ty đặt ra trong năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đặt mục tiêu đạt 2.218 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 1.837 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 16,3%. Tổng công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt và không thấp hơn 11%.

Kế hoạch trên được đánh giá là thách thức không nhỏ bởi giá nhiên liệu khí, than tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm 2021 đang tác động đến các doanh nghiệp sản xuất điện năm nay.

Tổng công ty cho biết đã chủ động các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy phát điện, đảm bảo độ sẵn sàng cho các tổ máy khi được huy động, tích cực nghiên cứu và áp dụng các giải pháp giảm suất tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí cho sản xuất và sửa chữa lớn. Chuyển đổi số trong thời gian qua luôn được doanh nghiệp tích cực thực hiện và xem đây là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Một số nổi bật có thể kể đến như áp dụng RCM trong sửa chữa, bảo dưỡng và triển khai hệ thống giám sát và chẩn đoán từ xa RMS tại các nhà máy…

Đầu tư dự án nguồn điện mới công suất 2.613 MW giai đoạn 2021-2025

Về kế hoạch đầu tư xây dựng, góp vốn năm 2022, EVNGENCO3 trình cổ đông phương án đầu tư gần 5.970 tỷ đồng, gồm 4.851 tỷ đồng trả nợ vay; 918,6 tỷ đồng đầu tư thuần và gần 200 tỷ đồng đầu tư qua hình thức góp vốn. Không kể phần vốn trả nợ vay, khoản chi đầu tư năm 2022 lớn gấp 1,47 lần năm trước.

Trong chiến lược 5 năm giai đoạn 2021-2025, EVNGENCO3đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022-2025 triển khai tham gia góp vốn và đầu tư các Dự án nguồn điện mới, bao gồm dự án Tuabin khí chu trình hỗn hợp sử dụng LNG, Thủy điện, Điện gió trên bờ/ngoài khơi với tổng quy mô công suất khoảng 2.613 MW.

Các dự án nguồn điện mới sử dụng nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo, phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 và dự thảo Quy hoạch phát triển điện VIII.

Cũng tại đại hội, HĐQT EVNGENCO3 trình cổ đông thông qua việc thôi tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2018 - 2023 đối với ông Trương Quốc Phúc do nghỉ chế độ hưu trí từ ngày 1/5/2022. Số lượng thành viên HĐQT là 4 người cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Tin bài liên quan