EVNGenco 2 sẽ được “tân trang” trước thềm IPO?

EVNGenco 2 sẽ được “tân trang” trước thềm IPO?

(ĐTCK) Là 1 trong 2 “ông lớn” thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cổ phần hóa trong năm nay theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGenco 2) liên tục thể hiện phong độ kiếm tiền đi xuống trong những năm qua. Để phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến trong tháng 6/2018 diễn ra thành công, liệu EVNGenco 2 sẽ được "tân trang" như trường hợp một "đồng nghiệp" đã từng áp dụng trước đó?

Lợi nhuận "nhảy múa"

Hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước kéo dài, cộng thêm tiềm năng phát triển, nhưng làm thế nào để phiên IPO của EVNGenco 2 sắp tới không đi vào “vết xe đổ” ế ẩm như một doanh nghiệp cùng ngành là Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco 3) hồi đầu năm nay đã IPO không thành công (chỉ bán 7,4 triệu/hơn 267 triệu cổ phần đưa ra chào bán) đang là mối quan tâm của không chỉ Ban lãnh đạo EVN hay EVNGenco 2.

Ngoài các công ty con do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ và các đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ (Công ty Nhiệt điện Cần Thơ, Công ty Thủy điện Quảng Trị, Công ty Thủy điện Sông Bung), EVNGenco 2 còn có nhiều công ty liên kết do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ như CTCP Nhiệt điện Hải Phòng, CTCP Nhiệt điện Phả Lại, CTCP Thủy điện Thác Mơ... Bên cạnh đó, EVNGenco 2 cũng quản lý nhiều dự án đầu tư nguồn điện gồm Nhiệt điện Hải Phòng II; Nhiệt điện Ô Môn 1,2,3,4; Thủy điện Trung Sơn; Thủy điện Thác Mơ mở rộng...

Với một doanh nghiệp phát điện như EVNGenco 2, việc có trong tay nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện cho phép EVNGenco 2 giảm thiểu các rủi ro từ yếu tố thời tiết hay hoạt động sản xuất, qua đó duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2014-2017. Cụ thể, nếu như năm 2014, EVNGenco 2 ghi nhận doanh thu 20.434,7 tỷ đồng, thì các năm 2015 và 2016 lần lượt đạt 20.824,5 tỷ đồng và 21.061,5 tỷ đồng, năm 2017 đạt 21.823,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014-2016, trái ngược với diễn biến doanh thu tăng là lợi nhuận lao dốc. Cụ thể, năm 2014, EVNGenco 2 báo lãi lớn tới 1.589,2 tỷ đồng, nhưng năm 2015 bất ngờ lãi giảm hơn 50% so với năm 2014 và năm 2016 tiếp tục giảm gần 50% so với năm 2015 (chi tiết xem bảng). Nhưng bước sang năm 2017, EVNGenco 2 "đột ngột" báo lãi tới 2.723,6 tỷ đồng.

Hiệu quả kinh doanh tuy cải thiện, nhưng với việc lợi nhuận liên tục "nhảy múa" như trên, nhà đầu tư sẽ định giá EVNGenco 2 như thế nào trong phiên IPO sắp tới?

Ngoài câu chuyện về lợi nhuận, cũng tương tự như các doanh nghiệp ngành điện khác, rủi ro tỷ giá luôn khiến lãnh đạo EVNGenco 2 “đau đầu”. Báo cáo tài chính của EVNGenco 2 cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến EVNGenco 2 có phong độ kiếm tiền suy giảm trước cổ phần hóa là gánh nặng lỗ tỷ giá kéo dài trong nhiều năm. Nếu như năm 2015, EVNGenco 2 ghi nhận khoản lỗ tỷ giá 788,3 tỷ đồng, thì năm 2016 tăng lên 885,9 tỷ đồng. Tình trạng lỗ do chênh lệch tỷ giá tiếp tục tái diễn trong năm 2017, bất chấp đã giảm so với những năm trước.

Việc phải gánh những khoản lỗ tỷ giá lớn và kéo dài đang làm cho bức tranh lợi nhuận của EVNGenco 2 khó đẹp. Chưa kể, chi phí tài chính cao (chi tiết xem bảng) cũng “ăn mòn” lợi nhuận của EVNGenco 2 trong những năm qua.

EVNGenco 2 có được “tân trang” như EVNGenco 1?

Sau thương vụ IPO EVNGenco 3 thất bại, để đảm bảo cho các phiên IPO của Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGenco 1) và EVNGenco 2 không rơi vào tình cảnh tương tự, EVN đang có những động thái “làm đẹp” công ty con chuẩn bị đem ra bán đấu giá.

Chẳng hạn, EVN đặt mục tiêu công bố giá trị doanh nghiệp vào tháng 6 tới để tiến hành tiếp các bước cổ phần hóa EVNGenco 1. Đơn vị này cũng trong tình cảnh làm ăn sút kém trước IPO vì lỗ tỷ giá, chi phí tài chính lớn, sự phụ thuộc vào yếu tố thời tiết...

Trong năm 2017, Công ty mẹ - EVN đã bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGenco 1. Nhờ "giải pháp" này mà EVNGenco 1 được hạch toán khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 trong năm qua lên tới 2.849 tỷ đồng. Nhờ đó, trước năm 2017, đang từ chỗ lỗ lớn do chênh lệch tỷ giá, EVNGenco 1 đã thoát lỗ.

Việc EVN giao “miếng nạc” - Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGenco 1 đã giúp cho bức tranh tài chính của công ty này “đẹp” hơn trước thềm IPO. Bởi vậy, câu chuyện EVN sẽ tiếp tục "làm đẹp" cho EVNGenco 2 trong đợt IPO tới không phải là không có khả năng xảy ra.

Cần minh bạch thông tin hơn

Kể từ khi công bố kế hoạch IPO, nhiều nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin về hoạt động của EVNGenco 2. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên website của EVNGenco 2 mới chỉ công khai báo cáo tài chính có kiểm toán của các năm 2015-2017, mà chưa công khai loại báo cáo này trong các năm trước. Tại mục “Thông tin cổ phần hóa” trên trang thông tin điện tử của EVNGenco 2 cũng chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến hoạt động cổ phần hóa...

Liên quan đến tiến độ cổ phần hóa, thông tin từ EVNGenco 2 cho thấy, tại ngày 23/3, sau khi Kiểm toán Nhà nước có Công văn 439/2018 về đính chính báo cáo kiểm toán, đến ngày 28/3, Hội đồng thành viên của EVN đã có văn bản 114/EVN-HĐTV thông qua giá trị doanh nghiệp của Công ty mẹ - EVNGenco 2 và gửi thông tin này tới Ban chỉ đạo cổ phần hóa xem xét, thông qua để báo cáo Bộ Công thương công bố giá trị doanh nghiệp.

Trong quý II này, ngoài tiếp tục làm việc với các bên liên quan để hoàn thiện phương án sử dụng đất theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Công văn 186/KTNN-TH, EVNGenco 2 còn phối hợp với Ban Kế hoạch của EVN làm việc với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để các Bộ sớm có văn bản trả lời về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khi cổ phần hóa EVNGenco 2.                     

Tin bài liên quan