EVN phát hành trái phiếu để trả nợ

EVN phát hành trái phiếu để trả nợ

Theo thông báo 368/TB-VPCP của văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có hai đề án phát hành trái phiếu cần hoàn thiện sớm trong thời gian tới.

Đó là đề án phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10.000 tỉ đồng và đề án phát hành trái phiếu để chi trả khoản nợ tiền điện, mua nhiên liệu từ tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản và một số doanh nghiệp khác.


Liên quan đến đề án phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 10.000 tỉ đồng, phục vụ đầu tư các dự án điện, hiện bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn EVN hoàn thiện; xem xét phê duyệt phương án.

 

Tuy nhiên, nguồn tin từ EVN cho hay, trong thời gian còn lại của năm 2012, EVN hy vọng sẽ phát hành được 5.000 tỉ đồng trong tổng số 10.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại trong nước. Chính phủ chỉ đạo bộ Công thương phối hợp với bộ Tài chính, EVN khẩn trương tổ chức họp báo công bố kết quả kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện và kết quả kiểm toán độc lập năm 2011. Bộ Công thương và bộ Tài chính cũng được giao nhiệm vụ thẩm định kế hoạch giá thành sản xuất kinh doanh điện giai đoạn năm 2013 – 2015 của EVN và lộ trình điều chỉnh giá điện năm 2013 – 2015 (trong đó có kế hoạch phân bổ các khoản lỗ của EVN), trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 12.2012.

 

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với dự thảo cam kết bảo lãnh của Chính phủ (GGU) và thư ủng hộ của Chính phủ đối với dự án liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn do bộ Công thương chủ trì dự thảo. Như vậy, dự án liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn có quy mô khoảng 8 tỉ USD với công suất 10 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm, đã vượt qua cửa ải khó khăn nhất sau khi trải qua nhiều vòng đàm phán liên quan về GGU trong hơn hai năm qua.

 

Được biết, hiện bộ Công thương đang chờ bộ Tư pháp xem xét tính pháp lý của các văn kiện liên quan, cũng như những hướng dẫn cụ thể từ phía ngân hàng Nhà nước để chính thức ký kết các văn bản này. Một quan chức cấp cao của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết nhà đầu tư chiếm 25,1% vốn góp trong liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn (các nhà đầu tư khác là tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait-KPI với 35,1%; tập đoàn Dầu khí Idemitsu Kosan Nhật Bản – IKC chiếm 35,1%; và tập đoàn Hoá chất Mitsui Nhật Bản chiếm 4,7%), hy vọng GGU sẽ được ký chính thức trong vòng một tháng và chủ đầu tư sẽ tiến hành trao thầu xây dựng dự án này theo hình thức chìa khoá trao tay cho tổ hợp nhà thầu ngay sau khi nhận được GGU.