Đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do Trung Nam đầu tư
Quyết chờ Nghị định?
Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam do đơn vị tư nhân đầu tư sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp nhận, quản lý vận hành.
Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc giao Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan hướng dẫn EVN làm việc với nhà đầu tư - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam - về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý tài sản lưới điện truyền tải 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do nhà đầu tư đề xuất bàn giao không tính chi phí (bàn giao 0 đồng), đảm bảo quy định pháp luật, Bộ Công thương cho biết đã tổ chức họp với các bộ ngành và đơn vị liên quan về vấn đề này.
Tuy nhiên, góp ý của các bộ, ngành cho thấy, quy định pháp luật hiện hành chưa quy định rõ thẩm quyền và cơ sở pháp lý để hướng dẫn EVN làm việc với Công ty Trung Nam thực hiện bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân được thực hiện theo quy định của Nghị định về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN sau khi Nghị định được ban hành, có hiệu lực.
"Khi đó, thẩm quyền, trách nhiệm của các bên tham gia thực hiện bàn giao, tiếp nhận công trình, hồ sơ, cách xác định giá trị công trình bàn giao và các điều kiện liên quan đã được quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng", Bộ Công thương nêu quan điểm.
Là cơ quan đang xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính cho hay, hiện đã có một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến câu chuyện chuyển giao công trình điện sang EVN.
Cụ thể là Quyết định 41/2017/QĐ-TTg quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước sang EVN quản lý; Quyết định số 23/2020/QĐ-TTg quy định việc điều chuyển, tiếp nhận vốn, tài sản và hoàn trả vốn đối với các dự án cấp điện nông thôn; Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT - BCT - BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn.
Tuy nhiên, không có quy định nào về việc điều chuyển, bàn giao, tiếp nhận các công trình điện do tư nhân đầu tư sang EVN quản lý.
Cũng theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn thì chỉ quy định việc xác lập quyền sở hữu toàn dân với tài sản do tổ chức, cá nhân tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước và không có hình thức tổ chức, cá nhân trực tiếp tặng cho tài sản hoặc hình thức khác chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho EVN theo hình thức ghi tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc bàn giao công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nhà nước sang EVN có thể được thực hiện theo các cơ chế như mua, bán giữa các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật dân sự. Hoặc là doanh nghiệp có công trình điện thực hiện biếu/tặng/cho EVN theo quy định của pháp luật về dân sự.
Nếu việc thực hiện biếu/tặng/cho diễn ra trước khi Nghị định được ban hành thì thực hiện theo các quy định pháp luật về dân sự, pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.
Còn trường hợp bàn giao được thực hiện khi Nghị định của Chính phủ ban hành và có hiệu lực, thì sẽ áp dụng theo Nghị định này.
Nhận 0 đồng EVN vẫn phải nộp thuế 25%?
Như vậy, có thể hình dung sẽ có 2 tình huống xảy ra, đó là nhận trước hay sau khi Nghị định về chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN được ban hành.
Nếu nhận trước khi Nghị định trên được ban hành, các bên liên quan sẽ phải theo các quy định hiện hành. Được biết, tổng số công trình mà EVN đã đồng ý tiếp nhận là 2.825 công trình; tuy nhiên, mới chỉ có 302 công trình đủ thủ tục để bàn giao đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển; các công trình còn lại vẫn do các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng. Nguyên do của sự chậm chễ này là còn nhiều vướng mắc.
Với trường hợp còn lại, hiện Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Tài chính soạn thảo xong và đang được Bộ Tư pháp thẩm tra. Tuy nhiên bao giờ được chính thức ban hành thì chưa có mốc thời gian.
Tập đoàn Xuân Thiện đã đầu tư trạm biến áp 500kV –2 x 600 MVA, đường dây mạch kép 500 kV dài 22,2 km, phục vụ cụm 5 nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp có tổng công suất 600 MW/830 MWp, tổng vốn đầu tư gần 16.000 tỷ đồng |
Theo lập luận của Bộ Tài chính, EVN là doanh nghiệp nhà nước, trường hợp EVN tiếp nhận tài sản đồng nghĩa với việc Nhà nước đầu tư thêm vốn cho EVN. Theo đó, việc tăng vốn, tăng tài sản được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Trường hợp một tư nhân muốn chuyển giao công trình điện cho EVN được quy định tại Chương IV: Chuyển giao công trình điện có nguồn gốc ngoài Ngân sách nhà nước được xác lập quyền sở hữu toàn dân, gồm Điều 15 và Điều 16.
Theo Bộ Tài chính, thầm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân trong tình huống này thuộc về Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao cho đơn vị điện lực quản lý theo hình thức ghi tăng tài sản, ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng đưa ra nguyên tắc để chuyển giao các công trình điện.
Cũng theo dự thảo Nghị định, công trình điện được chuyển giao sang đơn vị điện lực quản lý phải đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện. Đó là phù hợp với quy hoạch điện lực tại thời điểm chuyển giao; đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan tại thời điểm chuyển giao; công trình điện đang vận hành bình thường tại thời điểm chuyển giao; công trình điện không trong tình trạng cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc bất kỳ bảo đảm nghĩa vụ nợ nào khác.
Một nguyên tắc khác là đối với các công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách chuyển giao cho EVN mà chi phí quản lý vận hành đã tính vào giá bán điện cho đơn vị điện lực của Bên giao thì chi phí cho việc quản lý vận hành của công trình điện chuyển giao tính cho thời gian còn lại theo dự án phải được giảm trừ vào giá bán điện của Bên giao cho đơn vị điện lực.
Quy chiếu vào trường hợp Đường dây và trạm biến áp 500 kV mà Công ty Trung Nam muốn bàn giao cho EVN thì các cơ quan chức năng đầu tiên sẽ phải xác định công trình này có liên quan thế nào với giá bán điện mặt trời tại Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW được đầu tư song song.
Hiện, đang có 288 MW/450 MW của dự án này được hưởng mức giá bán điện tương đương với 9,35 UScent/kWh. Phần còn lại chưa xác định giá.
Tiếp đó, phải xác định giá trị của công trình đường dây theo các quy định hiện hành của Nhà nước để làm cơ sở ghi tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tại EVN tại thời điểm chuyển giao và để có cơ sở chi tiền bảo dưỡng, vận hành sau khi EVN được giao nhận tài sản này.
Để xác định giá trị này chắc chắn sẽ có Hội đồng được thành lập với sự tham gia của các cơ quan nhà nước có liên quan chứ không đơn thuần dựa vào chi phí mà doanh nghiệp công bố đã bỏ ra đầu tư trước đó.
Cũng vẫn theo nguyên tắc được Bộ Tài chính đưa ra khi xây dựng Nghị định mới thì việc chuyển giao công trình điện sang đơn vị điện lực quản lý được thực hiện theo phương thức ghi tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo giá trị công trình điện tại thời điểm chuyển giao; việc xác định giá trị công trình điện chuyển giao được thực hiện theo quy định tại Nghị định này; không thực hiện hoàn trả vốn đối với các công trình điện chuyển giao.
Như vậy, EVN sẽ phải thực hiện một số bút toán về tài sản này và nếu không có hướng dẫn mới thì sẽ thực hiện như hướng dẫn tại văn bản 1931/BTC-TCDN ngày 19/2/2020 của Bộ Tài chính liên quan đến việc tiếp nhận tài sản từ đơn vị bên ngoài EVN mà EVN không phải hoàn trả vốn.
Đó là “theo điểm 3.9 khoản 3 Điều 67 Thông tư số 200/2014/TT-BTC, khi nhận được quà biếu, tặng, tài trợ và cơ quan quan có thẩm quyền yêu cầu ghi tăng vốn Nhà nước là Nợ các TK 111, 112, 153, 211… và ghi Có TK 411 – vốn đầu tư của chủ sở hữu. Các trường hợp khác mà cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu ghi tăng vốn Nhà nước thì phải phản ánh quà biếu, tặng, tài trợ vào thu nhập khác”.
Tiếp đó, tại văn bản số 15306/BTC-TCDN ngày 14/12/2020, Bộ Tài chính lại hướng dẫn về “trường hợp EVN tiếp nhận tài sản là các công trình điện đầu tư bằng nguồn vốn ngoài nhà nước theo phương thức tiếp nhận tài sản cho/biếu/tặng thì phải hạch toán vào thu nhập khác và thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh theo quy định”.
Theo các chuyên gia tài chính, nếu Nhà nước quyết định EVN phải nhận tài sản kiểu này thì EVN sẽ phải tiến hành hạch toán giá trị còn lại của công trình tiếp nhận vào thu nhập khác và ngay lập tức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh theo quy định là 25% trong năm.
Nghĩa là, nếu tài sản được xác định giá trị còn lại là 1.000 tỷ đồng thì EVN sẽ phải nộp thuế 250 tỷ đồng, kèm theo các chi phí phải tiếp tục bỏ ra để bảo trì, vận hành tài sản nhận về.
Dĩ nhiên, tất cả các chi phí thuế phát sinh hay vận hành bảo dưỡng sau này sẽ đều được EVN tính vào chi phí sản xuất điện và quy ra giá bán điện.
Tất nhiên là khi việc nhận đường dây được tặng 0 đồng đi theo hướng này, sẽ có nhiều cơ quan thanh kiểm tra vào giám sát, xác định việc nhận tài sản này để “hậu kiểm” mức độ lợi, hại ra sao với ngân sách nhà nước bởi EVN là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.