EVN cho biết, trong 9 tháng năm 2024 đã đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, với tổng số điện sản xuất và nhập khẩu đạt 232,8 tỷ kWh, tăng gần 11%; điện thương phẩm đạt hơn 208 tỷ kWh, tăng hơn 11%.
Dự kiến 3 tháng cuối năm, điện sản xuất và nhập khẩu ước đạt 77,06 tỷ kWh, tăng 8,5% so với cùng kỳ; lũy kế cả năm 2024 ước đạt 309,91 tỷ kWh, tăng 10,36% so với năm 2023 và đạt 99,8% kế hoạch năm. Điện thương phẩm ước đạt 67,74 tỷ kWh tăng 6,02% và lũy kế cả năm 2024 ước đạt 276,04 tỷ kWh, tăng trưởng 9,1% so với năm 2023.
Dựa trên số liệu năm nay, EVN cũng đưa ra 2 kịch bản cấp điện cho năm 2025. Với kịch bản cơ sở, nhu cầu phụ tải khoảng 339,17 tỷ kWh, tăng trưởng 9,4% so với năm 2024.
Với kịch bản kiểm tra (để chuẩn bị các giải pháp đảm bảo điện trong trường hợp nền kinh tế tiếp tục hồi phục mạnh mẽ), nhu cầu phụ tải khoảng 350,97 tỷ kWh, tăng trưởng 13,2% so với năm 2024.
Theo đánh giá sơ bộ của EVN, với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các giải pháp từ sớm, việc cung ứng điện năm 2025 cơ bản vẫn được đáp ứng. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn rủi ro ở khu vực miền Bắc trong cao điểm cuối mùa khô (giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7) nếu nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.
Để đảm bảo cấp điện các tháng cuối năm 2024 và năm 2025, EVN đang tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp. Đối với khối phát điện, EVN phối hợp với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO) cập nhật nhu cầu huy động các tháng cuối năm 2024 và dự kiến sản lượng năm 2025 để điều chỉnh kế hoạch cung cấp nhiên liệu kịp thời, linh hoạt đảm bảo sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống.
Trong năm 2025, EVN cũng chỉ ra khó khăn có thể ảnh hưởng đến cung ứng điện là khả năng cấp khí thiên nhiên sẽ bị suy giảm mạnh so với các năm trước đây.
Bên cạnh đó, tiến độ của nhiều dự án nguồn điện mới chậm tiến độ. Các nguồn thủy điện lớn cơ bản đã được xây dựng và đưa vào vận hành, chỉ còn một số dự án thủy điện với quy mô công suất nhỏ.
Trong khi nhiệt điện than sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng và việc triển khai các dự án cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sau khi Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26).
Với nhiệt điện khí, ngoại trừ dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 và Hiệp Phước 1 với tổng công suất khoảng 2.824 MW có thể hoàn thành trước năm 2030, các dự án LNG còn lại khó đáp ứng tiến độ hoàn thành trước năm 2030.
Còn các nguồn điện gió ngoài khơi đặt mục tiêu đặt ra 6.000 MW vào năm 2030, thời gian thực hiện một dự án cần tới 6 - 8 năm, song hiện cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi đang được Bộ Công thương xây dựng Đề án thí điểm phát triển kèm theo các cơ chế, chính sách đồng bộ để trình Chính phủ.
Cuối cùng, các nguồn năng lượng tái tạo mới được bổ sung trong Quy hoạch điện VIII hiện nay vẫn đang cần các cơ chế chính sách từ các cấp có thẩm quyền để triển khai theo quy hoạch.