EVN Hà Nội kiện khách hàng

EVN Hà Nội kiện khách hàng

(ĐTCK) Ngày 30/8, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp hợp đồng mua bán điện giữa nguyên đơn Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) và bị đơn là hộ kinh doanh cá thể Bùi Quang Nghĩa (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội).

EVN Hà Nội kiện khách hàng ảnh 1

Khách hàng thiếu nợ

Trước đó, TAND huyện Đan Phượng đã xét xử sơ thẩm, theo đó, ngày 9/3/2009, EVN Hà Nội ủy quyền cho Trưởng chi nhánh Điện lực Đan Phượng ký hợp đồng kinh tế mua bán điện với ông Bùi Quang Nghĩa. Ông Nghĩa được Sở Kế hoạch và Đầu tư Đan Phượng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với ngành nghề dịch vụ điện phục vụ sản xuất và dân sinh.

Sau khi ký hợp đồng, ông Nghĩa cho em trai là Bùi Quang Hùng trực tiếp bán lại điện cho các hộ dân trong Cụm 3, Cụm 4 xã Hạ Mỗ, gồm cả điện sinh hoạt và điện sản xuất. Hàng tháng, Chi nhánh Điện lực Đan Phượng cùng ông Nghĩa ghi tổng số điện năng tiêu thụ và lập Biên bản thỏa thuận tỷ lệ giá bán điện. Căn cứ vào biên bản này, Điện lực Đan Phượng tính toán số tiền và thông báo cho ông Nghĩa thanh toán (thực tế, ông Hùng là người trực tiếp đến Điện lực Đan Phượng trả tiền điện).

Từ tháng 2/2010, hộ kinh doanh Bùi Quang Nghĩa bắt đầu vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền điện, tính đến ngày 29/9/2011 nợ tổng cộng 688 triệu đồng. Do đó, Điện lực Đan Phượng đã cắt điện với hộ kinh doanh này và trực tiếp bán điện cho các hộ dân.

EVN Hà Nội đề nghị Tòa án buộc hộ kinh doanh Bùi Quang Nghĩa phải thanh toán số tiền 688 triệu đồng tiền gốc và 286,9 triệu đồng tiền lãi.

Ông Nghĩa cho biết, ông đã làm giấy chuyển nhượng trạm biến áp cho em trai là ông Hùng, có xác nhận của UBND xã Hạ Mỗ. Do đó, ông không còn liên quan gì đến EVN Hà Nội. Thực tế, ông Hùng là người ký hợp đồng bán điện cho dân cư, do vậy ông Hùng là người phải thanh toán khoản nợ đó.

Các luật sư Nguyễn Hồng Hà, Nguyễn Duy Nguyên (Công ty luật TNHH Hà Đăng) cho rằng, hợp đồng kinh tế giữa Điện lực Đan Phượng và hộ ông Nghĩa vô hiệu một phần, do thời điểm ký hợp đồng, giấy phép hoạt động điện lực của hộ ông Nghĩa hết hiệu lực, vi phạm Điều 7 Luật Điện lực. Ngoài ra, ngày 6/10/2009, ông Nghĩa có giấy chuyển nhượng trạm biến áp cho ông Hùng để ông Hùng trực tiếp kinh doanh, bán điện, thu tiền rồi thanh toán cho Điện lực Đan Phượng. Do đó, đề nghị Tòa án quyết định ông Hùng mới là người có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ.

Tại bản án sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, việc khởi kiện của EVN Hà Nội là có căn cứ, vì thế buộc hộ kinh doanh Bùi Quang Nghĩa phải thanh toán tiền điện đã mua là 688 triệu đồng. Ngoài ra, hộ ông Nghĩa phải thanh toán lãi phạt 286,9 triệu đồng, căn cứ vào hợp đồng hai bên đã ký kết, bên mua điện không trả tiền điện thì phải chịu mức lãi suất cho vay cao nhất của Agribank - Chi nhánh Đan Phượng.

 

Hợp đồng vô hiệu một phần

Tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét các chứng cứ, lập luận các bên trình bày, HĐXX cho rằng, hợp đồng mua bán điện giữa EVN Hà Nội và hộ kinh doanh ông Nghĩa là có thật. Việc ông Nghĩa chuyển nhượng trạm biến áp cho ông Hùng không có văn bản thông báo cho EVN, nên chủ thể mua bán trên hợp đồng vẫn là ông Nghĩa. Tuy nhiên, do thời điểm ký hợp đồng, hộ kinh doanh ông Nghĩa không có giấy phép hoạt động điện lực nên hợp đồng vô hiệu một phần.

Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên kể từ thời điểm xác lập. Khi hợp đồng vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền.

Do đó, Hội đồng xét xử cho rằng, việc tòa cấp sơ thẩm buộc hộ kinh doanh ông Nghĩa phải trả khoản lãi 286,9 triệu đồng là không phù hợp và tuyên sửa án sơ thẩm, buộc hộ kinh doanh ông Nghĩa trả cho EVN Hà Nội 688 triệu đồng.