EVN chờ hướng dẫn để trả tiền điện

0:00 / 0:00
0:00
Liên quan đến việc khai thác phần công suất các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề nghị Bộ Công thương có một số hướng dẫn cụ thể.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Quy đổi Mwac và MWp

Để có cơ sở vận hành và thanh toán cho Nhà máy điện Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, EVN đã kiến nghị Bộ Công thương 3 vấn đề.

Đầu tiên là sớm phê duyệt danh sách các dự án/phần dự án có kèm theo mức công suất MW của các nhà máy điện mặt trời nằm trong 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận được hưởng cơ chế giá điện theo khoản 3, Điều 5, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg. Điều này là để EVN có cơ sở vận hành và thanh quyết toán tiền điện cho phần công suất trong 2.000 MW của Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam 450 MW.

Đề nghị thứ hai của EVN là hướng dẫn cơ chế thanh toán cho phần công suất nằm ngoài 2.000 MW của Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam 450 MW đã vận hành đến ngày 1/9/2022.

Đề nghị thứ ba cũng liên quan đến phần công suất nằm ngoài 2.000 MW của Nhà máy Trung Nam - Thuận Nam 450 MW hiện thuộc đối tượng các dự án/phần dự án chuyển tiếp đang được Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, EVN kiến nghị cho phép nhà máy được tham gia thị trường điện phần công suất trên theo kiến nghị của EVN tại Văn bản 5106/EVN-TTĐ ngày 12/9/2022.

Trước đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhận xét rằng, việc dừng khai thác dự án/phần dự án nhà máy điện mặt trời trên địa bàn Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của EVN trên cơ sở các thỏa thuận, hợp đồng đã ký giữa các bên và quy định của pháp luật có liên quan. Tuy vậy, EVN cho hay, hợp đồng mua bán điện (PPA) của Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW được ký ngày 25/5/2020 theo PPA mẫu ban hành tại Thông tư 16/2019/TT-BCT và Văn bản 2794/BCT-ĐL ngày 20/4/2022.

Căn cứ PPA và chỉ đạo của Bộ Công thương, trước khi Nhà máy điện Trung Nam - Thuận Nam 450 MW được công nhận vận hành thương mại vào ngày 1/10/2020, ngày 31/7/2020, EVN đã có Văn bản 5192/EVN-TTĐ báo cáo Bộ Công thương nguyên tắc tính toán chuyển đổi từ công suất MWp sang Mwac với các dự án mà các tài liệu pháp lý xác nhận ở MWp.

Theo EVN, do quy định tổng công suất lũy kế tại tỉnh Ninh Thuận là 2.000 Mwac, nên nếu Bộ Công thương không hướng dẫn nguyên tắc chuyển đổi từ MWp sang Mwac, thì không thể xác định được danh sách và công suất của dự án/phần dự án nằm trong 2.000 MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Được biết, hiện chỉ có duy nhất Thông tư 18/2020/TT-BCT có nhắc tới sự liên quan giữa 1 MW và 1,25 MWp với điện mặt trời áp mái nhà. Như vậy, về lý thuyết, EVN có thể linh hoạt vận dụng 1 MWac tương đương với 1,25 MWp.

Tuy nhiên, một quan chức của EVN cho hay, nhiều cơ quan thanh, kiểm tra gần đây làm việc với EVN có chỉ ra nhiều chỗ văn bản chưa thống nhất trong việc dùng các đơn vị, nên EVN cũng hỏi lại các cơ quan quản lý nhà nước là những nơi ban hành văn bản để hiểu cho đúng, thực hiện cho chuẩn.

Nhận đường dây 0 đồng vẫn phải nộp thuế

Theo Bộ Tài chính, EVN là doanh nghiệp nhà nước, trường hợp tiếp nhận tài sản đồng nghĩa với việc Nhà nước đầu tư thêm vốn cho EVN, nên phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bên cạnh giá điện, việc Trung Nam Group sẵn sàng bàn giao 0 đồng đường dây truyền tải cũng có những điểm cần cơ quan chức năng làm rõ.

Theo lập luận của Bộ Tài chính, EVN là doanh nghiệp nhà nước, trường hợp tiếp nhận tài sản đồng nghĩa với việc Nhà nước đầu tư thêm vốn cho EVN, nên phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Việc một tư nhân muốn chuyển giao công trình điện cho EVN, thì thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân trong tình huống này thuộc về Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sau đó giao đơn vị điện lực quản lý theo hình thức ghi tăng tài sản, ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Một nguyên tắc khác là, đối với các công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách chuyển giao cho EVN, mà chi phí quản lý vận hành đã tính vào giá bán điện cho đơn vị điện lực của bên giao, thì chi phí cho việc quản lý vận hành của công trình điện chuyển giao tính cho thời gian còn lại theo dự án phải được giảm trừ vào giá bán điện của bên giao cho đơn vị điện lực.

Quy chiếu vào trường hợp Đường dây và trạm biến áp 500 kV mà Trung Nam Group muốn bàn giao cho EVN, sẽ phải xác định công trình này có liên quan thế nào với giá bán điện mặt trời tại Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW được đầu tư song song. Hiện có 288 MW/450 MW của dự án này được hưởng mức giá bán điện tương đương 9,35 UScent/kWh, phần còn lại chưa xác định giá.

Tiếp đó, phải xác định giá trị của công trình đường dây theo các quy định hiện hành của Nhà nước để làm cơ sở ghi tăng tài sản, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tại EVN ở thời điểm chuyển giao và để có cơ sở chi tiền bảo dưỡng, vận hành sau khi EVN được giao nhận tài sản này.

Cũng theo nguyên tắc được Bộ Tài chính đưa ra, thì không thực hiện hoàn trả vốn đối với các công trình điện chuyển giao và phải thực hiện một số bút toán. Hiện Văn bản 1931/BTC-TCDN ngày 19/2/2020 và Văn bản số 15306/BTC-TCDN ngày 14/12/2020 hướng dẫn rằng, nếu Nhà nước quyết định EVN phải nhận tài sản theo cách này, thì EVN sẽ phải tiến hành hạch toán giá trị còn lại của công trình tiếp nhận vào thu nhập khác và ngay lập tức đóng thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh theo quy định là 25% trong năm.

Dĩ nhiên, tất cả các chi phí thuế phát sinh, hay vận hành bảo dưỡng sau này sẽ đều được EVN tính vào chi phí sản xuất điện và quy ra giá bán điện, nên sẽ được các cơ quan thanh, kiểm tra, rà soát kỹ tính hợp pháp, hợp lý, hợp lệ và không chắc nhanh được.

Tin bài liên quan