EVN báo lỗ lớn năm thứ 2 liên tiếp

EVN báo lỗ lớn năm thứ 2 liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lỗ luỹ kế đến cuối năm 2023 của EVN là 41.824 tỷ đồng, để cân đối tài chính, theo VDSC sẽ cần thêm một đợt tăng giá điện trong năm nay.

Năm thứ hai báo lỗ

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 với nhiều con số đáng lo ngại. Doanh thu thuần của EVN đạt gần 500.720 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2022. Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn báo lỗ kỷ lục 27.847 tỷ đồng, trong khi mức lỗ năm 2022 là 22.256,7 tỷ đồng.

Bóc tách kỹ hơn các chỉ tiêu, dù EVN mang về khoản lợi nhuận gộp xấp xỉ 13.402 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022, nhưng với đà tăng của các chi phí, đặc biệt là tài chính tăng mạnh 25%, lên 22.686 tỷ đồng (trong đó 18.986 tỷ đồng là lãi vay) khiến EVN tiếp tục báo lỗ. Trung bình mỗi ngày trôi qua, EVN phải chi 52 tỷ đồng để trả lãi.

Sau hai năm kinh doanh thua lỗ, số lỗ luỹ kế của EVN cho đến cuối năm 2023 là hơn 41.824 tỷ đồng, quy đổi ngoại tệ là hơn 1,6 tỷ USD.

Quy mô tổng tài sản của EVN đến cuối năm ngoái đạt 648.983 tỷ đồng, giảm 2,6% so với đầu năm. Các tài sản có xu hướng giảm gồm tiền và các khoản tương đương tiền giảm 5,5% còn 36.498 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 28%, còn 44.779,6 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 40%, lên 47.740 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng 21%, lên 25.674 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối, EVN đang còn 452.849 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 2,7%. Riêng khoản nợ vay còn 311.092 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 69% tổng nợ, hệ số D/E ở mức 2,3 lần.

EVN đánh giá, năm 2023 tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn, tối ưu hoá dòng tiền,… nhưng EVN vẫn bị mất cân đối tài chính.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT EVN cho biết, kết quả thua lỗ của EVN đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là xu hướng giá nhiên liệu cho sản xuất điện trên thế giới ngày càng tăng, khiến việc cân đối tài chính của EVN trở nên khó khăn. Trong khi giá điện hiện nay của Việt Nam vẫn thấp so với giá điện mặt bằng chung của thế giới.

Thứ hai, tình hình kinh doanh của EVN phụ thuộc lớn vào điều kiện thời tiết. Ví dụ những tháng đầu năm, các nhà máy thuỷ điện do ảnh hưởng thời tiết không thuận dẫn đến sản lượng không đạt yêu cầu, khiến giá thành sản xuất điện cao do phải huy động nhiều từ các nhà máy nhiệt điện.

Tăng giá bán lẻ điện 5% mới có thể hoà vốn

Trong năm 2023, EVN đã hai lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3% và 4,5%, giá điện đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh. Trong đó, lần tăng thứ 2 là vào cuối năm nên chưa đóng góp đáng kể kết quả cả năm 2023.

Theo BVSC, từ nay đến cuối năm, EVN dự kiến sẽ thu thêm khoảng 3.200 tỷ đồng, giúp giảm bớt phần nào khó khăn tài chính và sức ép về kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2023. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện trong năm 2023 trung bình đạt mức 2.098 đồng/kWh. Như vậy, kể cả sau lần tăng giá bán lẻ điện vừa qua, EVN vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn khoảng 92 đồng/kWh.

Do vậy, BVSC kỳ vọng sẽ còn một đợt tăng giá bán lẻ điện tiếp theo trong năm 2024 (khoảng 4,5%).

Trong khi đó, VDSC cho rằng, EVN cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất 5%, tương ứng 100 đồng/kWh để có thể hòa vốn.

Trong tháng 5/2024, EVN đã được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 05/2024 QĐ-TTg so với 6 tháng trước đây. VDSC kỳ vọng việc được điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ là dư địa để EVN bớt tạo áp lực về tỷ lệ alpha.

Theo ông Trần Đình Long, giá điện hiện nay cần phải xem xét lại chi tiết và phân tích các thành phần một cách cụ thể. Bốn thành phần chính của giá điện gồm: giá phát điện, giá truyền tải, giá phân phối và giá của các dịch vụ phụ trợ cần được đánh giá xem chỗ nào chưa hợp lý, chỗ nào cần phải can thiệp.

“Cơ quan chức năng nhà nước, các bộ phận giám sát cần tính toán lại và có lẽ họ cũng đang quan tâm nhiều đến vấn đề này. Nếu như thị trường tiếp tục thay đổi theo hướng bất lợi, tức giá nhiên liệu tiếp tục tăng hay thời tiết không thuận lợi thì vẫn có khả năng xem xét điều chỉnh tăng giá điện”, ông Long nói.

Còn việc tăng bao nhiêu cho hợp lý thì cần sự tính toán, cân nhắc cụ thể, bởi giá điện là một yếu tố quan trọng trong chính sách giá cả chung của nhà nước và cân đối tài chính của doanh nghiệp. Nếu như EVN tăng giá điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế vĩ mô, chỉ số lạm phát của Việt Nam, nhất khi quyết định nâng lương cơ bản mới được thông qua.

Tuy nhiên, việc tăng giá bán lẻ điện sẽ giúp EVN cân đối được dòng tiền để chi trả cho các đơn vị phát điện, huy động vốn, cân đối vốn, đồng thời chính EVN sẽ có thêm nguồn lực để có thể đầu tư các dự án lưới điện, nguồn điện trong thời gian tới – nhằm đảm bảo khả năng cung ứng điện trong dài hạn.

Tin bài liên quan