Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Đâu là điểm nhấn trong bức tranh đầu tư EU tại Việt Nam trong năm 2018, thưa ông?
Năm 2018 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của EuroCham Việt Nam. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành viên đạt con số trên 1.000, đưa EuroCham Việt Nam trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp châu Âu lớn nhất trên thế giới.
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp (DN) châu Âu nhờ tăng trưởng và phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cải cách trong nước.
Trước khi EVFTA có hiệu lực, nhiều DN châu Âu đã lập văn phòng đại diện và chi nhánh, hoặc tìm kiếm đối tác tại Việt Nam nhằm hưởng lợi từ EVFTA.
Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều cam kết khi EVFTA có hiệu lực. Hiện tại, còn những điều khoản, cam kết nào Việt Nam cần đáp ứng, thưa ông?
Mặc dù đã có những bước đi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm nhằm giải quyết những mối quan tâm của Nghị viện châu Âu - nơi sẽ có cuộc bỏ phiếu để quyết định có thông qua hiệp định này hay không, cũng như những rào cản mà DN châu Âu tại Việt Nam đang gặp phải.
Các thành viên Nghị viện châu Âu vẫn còn băn khoăn về một số vấn đề như quyền lao động và xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chúng tôi vui mừng thông báo với Nghị viện châu Âu rằng, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch sửa đổi Bộ luật Lao động với nhiều cải thiện, thay đổi lớn phù hợp với Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động.
Môi trường đầu tư, kinh doanh đã có nhiều cải thiện, song DN châu Âu vẫn gặp phải một số khó khăn tại Việt Nam, như những vấn đề liên quan đến việc công nhận trong ngành ô tô, và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm bia, rượu. Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của DN khi xây dựng luật.
Chính phủ Việt Nam và EuroCham đã có nhiều nỗ lực, nhưng đầu tư của châu Âu tại Việt Nam vẫn còn thấp. Liệu EVFTA có làm thay đổi bức tranh đầu tư châu Âu tại Việt Nam?
Không còn nghi ngờ gì nữa, EVFTA tạo bước ngoặc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - EU. Vào thời điểm EVFTA có hiệu lực, thuế quan đối với 65% giá trị hàng hóa xuất từ EU sẽ được dỡ bỏ, phần còn lại sẽ được dỡ bỏ trong vòng 10 năm. Nhiều loại thuế hải quan cũng sẽ được dỡ bỏ cùng thời điểm.
Năm 2018, theo kết quả khảo sát của EuroCham với các doanh nghiệp thành viên về tác động của EVFTA đối với kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ, có khoảng 80% cho rằng, EVFTA sẽ tác động lớn hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn.
Ông dự đoán thế nào về dòng vốn đầu tư châu Âu tại Việt Nam thời gian tới khi EVFTA có hiệu lực?
Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư và kinh doanh hấp dẫn đối với các DN châu Âu. EVFTA sẽ khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, vì hiệp định này sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh tại Việt Nam cho các DN, nhà đầu tư châu Âu. Người tiêu dùng trung lưu tại Việt Nam đang là thỏi nam châm thu hút các DN châu Âu.
Với EVFTA, Việt Nam sẽ trở thành tâm điểm đầu tư với các DN châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.