Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu
Xét về quy mô, EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, chiếm 11,9% tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Việt Nam với thế giới. EU cũng đứng ở vị trí thứ 4 trong số các nước xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, với thị phần 6%, sau Trung Quốc (28,3%), Hàn Quốc (20,5%), Nhật Bản (8,2%).
Theo số liệu được công bố bởi Ủy ban Liên minh châu Âu, trong năm 2018, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 38,19 tỷ EUR, còn nhập khẩu của Việt Nam từ châu Âu đạt 11,1 tỷ EUR.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, ngành dệt may, giày dép sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu đến năm 2035 có thể đạt thêm 13,49 tỷ USD; xuất khẩu các loại thực phẩm dự kiến sẽ tăng thêm 794 triệu EUR và dịch vụ kinh doanh tăng thêm 543 triệu EUR.
Lãnh đạo Công ty cổ phần May 10 chia sẻ, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, Công ty đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi, tận dụng các lợi thế trong Hiệp định, đặc biệt là chứng minh quy tắc xuất xứ. Hiện cơ cấu xuất khẩu của May 10 có 35% thị phần xuất khẩu vào châu Âu, 45% xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG) cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu sản phẩm của VGG, thị trường châu Âu chiếm hơn 10%. EVFTA sẽ mở ra cánh cửa thuận lợi cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói chung, nhưng VGG là đơn vị gia công sản phẩm nên trước mắt chưa có nhiều tác động. Công ty sẽ theo dõi tình hình, tùy cơ hội cụ thể để có những quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp.
“Chúng tôi cần thời gian để tìm hiểu và thích nghi. Việc kinh doanh năm nay khó khăn hơn các năm trước, doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ phải tìm cách vượt qua”, ông Tiến cho hay.
Với ngành sữa, EU xóa bỏ toàn bộ thuế quan lên các sản phẩm sữa của Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực, nhưng các doanh nghiệp sữa của Việt Nam gần như không được hưởng lợi do EU chưa cấp phép nhập khẩu sữa có xuất xứ từ Việt Nam.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp sữa đã có kế hoạch phát triển tại thị trường EU. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị NutiFood cho biết, Nutifood là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam quyết định đầu tư vào Thụy Ðiển, một trong 28 nước thành viên EU. Trong chiến lược vươn ra thế giới, Nutifood đã chinh phục được thị trường Mỹ, chinh phục thị trường Thụy Ðiển là bước tiếp theo để chinh phục thị trường châu Âu, với dự án Nhà máy NutiFood Sweden AB.
“Chúng tôi chọn Thụy Ðiển vì đây là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, đặc biệt là sữa. Chúng tôi mong muốn sản phẩm sữa organic do doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Ðiển hợp tác sản xuất sẽ có mặt trên toàn thế giới”, ông Hải chia sẻ.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, các doanh nghiệp kinh doanh ngành gạo, cà phê, mật ong, chăn nuôi, hoa quả, thủy sản sẽ được hưởng ưu đãi từ năm đầu Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Về giày dép, trong nhiều năm, EU luôn là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam. Theo EVFTA, EU cam kết bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực cho 37% số dòng thuế ngành giày dép, số còn lại sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình từ 3 - 7 năm (phần lớn các loại giày dép mà Việt Nam có thể mạnh xuất khẩu thuộc nhóm này).
BVSC nhìn nhận, các ngành rau quả, giày dép đang là thế mạnh của Việt Nam và nếu vượt qua được các tiêu chuẩn về kỹ thuật (đặc biệt là ngành rau quả) thì EVFTA sẽ tạo ra cú huých tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ EVFTA như logistics, xây dựng cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp. Bởi lẽ, để tận dụng được ưu thế của các hiệp định thương mại, hệ thống luật pháp cùng cơ sở hạ tầng về đường sá, giao thông, logistics cần phát triển mạnh để thích ứng với điều kiện phát triển cao hơn.
Sức ép cạnh tranh
EVFTA sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp sữa của Việt Nam do phải cạnh tranh với các sản phẩm sữa nhập khẩu từ EU. Tuy nhiên, BVSC cho rằng, áp lực này hiện chưa đáng kể, do phân khúc sản phẩm chính lệch nhau. Cụ thể, các sản phẩm sữa mà Việt Nam nhập khẩu nhiều từ EU bao gồm sữa whey và các biến thể, bơ, pho mát, sữa bột và kem dạng bột, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ trong tiêu thụ các sản phẩm sữa ở thị trường Việt Nam.
Cạnh tranh cũng sẽ đến với mặt hàng máy móc, thiết bị điện tử, các mặt hàng này từ EU dự báo sẽ nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, xuất khẩu các sản phẩm thiết bị điện tử cùng với các loại máy móc khác và linh kiện có thể suy giảm.
Ðối với ngành dệt may, các doanh nghiệp trong ngành phải có những thay đổi để đáp ứng điều kiện về xuất xứ mới có thể tận dụng các ưu đãi thuế quan mà EVFTA mang lại.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Kim ngạch nhập khẩu từ EU tăng khoảng 15,28% vào năm 2020 và 36,7% vào năm 2030. Hiệp định này sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân 2,18 - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023 và tăng 7,07 - 7,72% đến năm 2033.