Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Sau 3 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, ông có thể cho biết tác động của hiệp định này đối với thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và châu Âu?
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu song phương đã có sự tăng trưởng đáng kể. Qua 3 năm thực thi EVFTA, Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa. Từ đầu năm đến ngày 31/7/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 25 tỷ USD.
Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 24% so với giai đoạn trước khi có hiệp định. Nhìn chung, quá trình thực thi EVFTA diễn ra tương đối thuận lợi, cả Ủy ban châu Âu và Việt Nam đều thực hiện hiệu quả các biện pháp cắt giảm thuế. Mặc dù có những thách thức nhỏ liên quan đến định giá hải quan và bán hàng, nhưng các bên đều nỗ lực để giải quyết các vấn đề kỹ thuật này.
Những lĩnh vực nào được hưởng lợi lớn từ khi EVFTA được thực thi, thưa ông?
Tăng trưởng cụ thể đã được ghi nhận trong các lĩnh vực như thủy - hải sản, rau quả, cà phê, gạo, điện tử, máy tính, giày dép, dệt may và máy móc. Các dịch vụ cũng được mở rộng, nhưng tác động chính sẽ đến sau này.
Cần nhớ là, quá trình giảm dần thuế theo EVFTA kéo dài hơn 10 năm đối với Việt Nam và 7 năm đối với hàng nhập khẩu của EU. Tác động đầy đủ của EVFTA dự kiến được hiện thực hóa sau một thập kỷ hoặc lâu hơn và đó là nguyên nhân lý giải tại sao những thay đổi đáng kể trong cơ cấu ngành được hưởng lợi vẫn chưa xảy ra.
Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã tận dụng EVFTA tốt chưa?
Nhìn chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã thể hiện sự hiểu biết tương đối đầy đủ về EVFTA và họ cũng thích nghi với quy tắc xuất xứ với yêu cầu tự chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa. Mặc dù giảm thuế là một khía cạnh quan trọng của hiệp định, nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất quyết định cho sự thành công của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại thị trường châu Âu.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cần tăng độ nhận diện thương hiệu và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác tại nước nhập khẩu. Trở thành một phần của mạng lưới kinh doanh đa dạng là một lợi thế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tìm cách tối đa hóa lợi ích của EVFTA.
Cùng với EVFTA còn có EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU). Hiệp định này kết nối thế nào với khuôn khổ thương mại hiện có giữa EU và Việt Nam?
EVIPA là một hiệp định bổ sung cho EVFTA, được thiết kế để bảo vệ các khoản đầu tư giữa EU và Việt Nam. EVIPA tạo niềm tin cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam bằng cách đảm bảo đối xử công bằng, từ đó tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư châu Âu. Những điều khoản chính bao gồm cam kết tiếp cận thị trường, tuân thủ các nguyên tắc đối xử quốc gia, các tiêu chuẩn bảo hộ đầu tư nghiêm ngặt và các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, đồng thời tăng cường tính minh bạch của thủ tục hành chính có ảnh hưởng đến đầu tư.
Không giống như thương mại vốn là thẩm quyền của EU, bảo hộ đầu tư là thẩm quyền chung, cần có sự phê chuẩn của cả EU và từng quốc gia thành viên. EVIPA sẽ thay thế các hiệp định bảo hộ đầu tư quốc gia hiện có mà các nước thành viên EU đã đàm phán trước đây với Việt Nam, nhằm cung cấp tính liên tục, đảm bảo không có khoảng trống pháp lý trong bảo vệ đầu tư.
Sắp tới, ông dự đoán ngành hoặc lĩnh vực nào sẽ tăng trưởng khi EVFTA tiếp tục được triển khai?
Xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt ở những ngành mà EU không phải là nhà sản xuất chính. Các lĩnh vực như thiết bị điện tử, giày dép, dệt may, máy móc và dịch vụ hứa hẹn sẽ mở rộng trong tương lai.
EVFTA là một cam kết dài hạn và hiệu quả đầy đủ của nó vẫn chưa được thực hiện, đặc biệt là khi việc cắt giảm thuế và tiếp cận thị trường mở rộng trong những năm tới.
Làm thế nào Việt Nam có thể duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh những thách thức toàn cầu hiện nay, thưa ông?
Để duy trì sức hấp dẫn, Việt Nam cần tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện, liên tục cải thiện các điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo lực lượng lao động trẻ.
Những thủ tục phức tạp hay quy trình quan liêu sẽ gây cản trở và tốn nhiều thời gian, làm suy giảm động lực đầu tư. Do đó, chúng tôi đề nghị, Việt Nam nên thành lập một cơ quan hoặc tổ chức trung ương chuyên trách, có nhiệm vụ hợp lý hóa các quy trình phê duyệt và cấp phép đầu tư. Cách tiếp cận này sẽ đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, mang lại lợi ích cho các khoản đầu tư lớn và các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Những cải tiến này sẽ khuyến khích hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến.
Ông có thể chia sẻ về ưu tiên và chiến lược trong tương lai của EuroCham tại Việt Nam?
Trước hết, EuroCham cam kết đảm bảo thực thi hiệu quả EVFTA, ủng hộ các hoạt động thương mại công bằng và tối đa hóa lợi ích chung cho cả Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Ngoài ra, EuroCham đóng vai trò nòng cốt trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các bên nhập khẩu châu Âu. Bằng cách tạo điều kiện cho các kết nối này, EuroCham tích cực thúc đẩy các cơ hội thương mại và thúc đẩy quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn giữa hai khu vực.