EVFTA gia tăng giá trị từ những cải cách sau đường biên

EVFTA gia tăng giá trị từ những cải cách sau đường biên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới (WB) từng khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện khung thể chế pháp lý và nâng cao năng lực thực thi để có thể gặt hái đầy đủ lợi ích của EVFTA.

Với cách tiếp cận mở, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, việc môi trường đầu tư hoàn thiện, rộng mở và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.

Theo ông Toàn, với hàng loạt lĩnh vực có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến, đây sẽ là những lĩnh vực EU đầu tư vào Việt Nam và cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư và phát triển toàn diện.

Câu chuyện thu hút vốn FDI chỉ là một trong những ví dụ cho thấy những giá trị khó có thể đong đếm ngay trước mắt trong những tác động mang lại từ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Ngân hàng Thế giới (WB) từng khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện khung thể chế pháp lý và nâng cao năng lực thực thi để có thể gặt hái đầy đủ lợi ích của EVFTA.

Theo ước tính, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo EVFTA đã có thể giúp GDP Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030.

“Song, lợi ích sẽ còn lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện nghị trình cải cách kinh tế và thể chế toàn diện nhằm tuân thủ với những điều khoản không liên quan đến thuế quan trong hiệp định này, đồng thời với việc nâng cao năng lực thực thi các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng, vật nuôi và cơ chế xử lý nếu có tranh chấp xảy ra giữa Nhà nước - nhà đầu tư. Những cải cách này sẽ tạo ra ‘cú huých năng suất’, giúp GDP tăng thêm 6,8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030. Dịch Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc, đây là thời điểm hoàn hảo để theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn", ông Ousmane Dione, nguyên Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Phân tích rõ hơn những tác động từ cải cách khung thể chế, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu để thực thi thành công EVFTA là đẩy mạnh cải cách khung khổ thể chế pháp lý thông qua cải thiện các thủ tục hành chính, cắt giảm và hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư và hoàn thiện khung pháp lý.

Còn bà Axelle Nicaise, Phó trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam chỉ ra rằng, lợi ích lớn nhất của EVFTA không chỉ là gỡ bỏ thuế quan, mà quan trọng hơn là thúc đẩy cải cách thế chế theo hướng tăng cường tính minh bạch và thống nhất đồng bộ của khung pháp lý chính sách.

“Việc cải thiện các khuôn khổ này sẽ giúp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam, thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của khu vực, giúp Việt Nam đón luồng vốn FDI mạnh hơn gắn với hàm lượng chuyển giao công nghệ tốt hơn, từ đó tận dụng tốt hơn nguồn lực lao động”, bà Axelle Nicaise phân tích.

Cũng theo bà Axelle Nicaise, việc cải thiện thể chế, thiết kế khung pháp lý chính sách sẽ chỉ tối ưu hóa lợi ích thực thi EVFTA khi cộng đồng doanh nghiệp của cả hai bên có thể tận dụng hết những lợi ích của Hiệp định, đặc biệt là trong gia nhập thị trường, thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh và trao đổi thương mại qua biên giới.

Theo các chuyên gia WB, cùng với Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA có thể khuyến khích và đẩy mạnh các chương trình cải cách trong nước vượt ra ngoài phạm vi của các vấn đề “thương mại” trong các hiệp định.

EVFTA sẽ giúp thúc đẩy cạnh tranh, hợp tác và nâng cao năng lực, khuyến khích phát triển các dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông và nhập cảnh tạm thời cho các nhà cung cấp dịch vụ, như hải quan, logistics và thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, nhiều điều khoản của EVFTA cũng sẽ kích thích chuẩn hóa các quy tắc, thúc đẩy tính minh bạch và hỗ trợ thiết lập các thể chế hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường, đấu thầu công, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, vấn đề pháp lý, quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan.

Những điều khoản về doanh nghiệp nhà nước theo các hiệp định CPTPP và EVFTA cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, sẽ duy trì các điều chỉnh cơ cấu tại Việt Nam theo hướng nền kinh tế dựa vào thị trường, công bằng và tạo ra một sân chơi
bình đẳng.           

Tin bài liên quan