Eurozone gượng dậy từ đáy suy thoái

Eurozone gượng dậy từ đáy suy thoái

(ĐTCK) Cuối cùng thì khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) cũng đã bắt đầu gượng dậy từ tình trạng suy thoái tồi tệ nhất.

Tuần trước, GDP sơ bộ quý II của eurozone - do Bloomberg khảo sát - đã tăng 0,2% so với quý I. Đây là chỉ báo rõ nét nhất, tính đến hiện tại, cho thấy, giai đoạn tồi tệ nhất của kinh tế eurozone, kể từ Đại suy thoái, đã qua đi. Những cải thiện trong hoạt động kinh doanh và tâm lý nhà sản xuất là bằng chứng cho sự phục hồi của khu vực đồng tiền chung.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên vẫn kém xa các nền kinh tế khác trong nhóm G7, như Nhật Bản và Anh Quốc, cùng 0,6%.

“Mặc dù chỉ là số liệu sơ bộ, song dữ liệu khảo sát liên tục được cải thiện cùng với sản lượng công nghiệp thực tế đang tăng lên đã hỗ trợ quan điểm của chúng tôi về sự ổn định của tình hình kinh tế quý này”, Nikolaus Keis, nhà kinh tế của UniCredit nói. “Đó là kết quả của sự phục hồi từng bước, ảnh hưởng nhẹ bớt của chính sách thắt chặt tài khóa, lạm phát thấp hơn và việc thanh toán nợ chính phủ”.

Sau đây hãy cùng xem xét từng khía cạnh.

 

Sản lượng công nghiệp

Các thị trường đã “thở phào” khi chỉ số nhà quản trị mua hàng của Markit cho thấy, lĩnh vực từng bị ảnh hưởng dữ dội bởi cuộc khủng hoảng nợ công đã tăng trưởng trở lại trong tháng qua, lần đầu tiên trong vòng hai năm.

Mặc dù chỉ số PMI chỉ cao hơn mức 50 chút ít, nhưng nó cho thấy, lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng trở lại và có thể sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm nay, nhờ vào tăng trưởng của Pháp và Tây Ban Nha, Bob Dobson, nhà kinh tế cao cấp của Markit nhận định.

 

Thất nghiệp

Lo ngại lớn nhất của các nhà hoạch định chính sách châu Âu là châu lục này sẽ phải trải qua giai đoạn “phục hồi thất nghiệp” khi các lãnh đạo doanh nghiệp trì hoãn thuê thêm nhân công để tiết kiệm chi phí, và đến lượt điều đó lại làm yếu sức mua nội địa.

Mặc dù sản lượng công nghiệp và hoạt động kinh doanh đang được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao kỷ lục với 12,1% trong tháng 6, theo Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở các nước ngoại vi như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ai Len đã giảm 0,1 điểm phần trăm trong tháng 6. Tuy nhiên, ở các nước như Tây Ban Nha, nơi mà việc làm bị tác động bởi mùa du lịch hè, mức giảm nói trên có thể chỉ là tạm thời.

“Chúng tôi không tin mức giảm tỷ lệ thất nghiệp ở các nước ngoại vi, như nói trên, sẽ được duy trì trong những tháng tới, nhưng những gì đang diễn ra cho thấy, điều tồi tệ nhất của thị trường lao động đã lùi lại phía sau”, Janet Henry, một nhà kinh tế của HSBC nói.

 

Tâm lý kinh doanh

Niềm tin ở khu vực kinh doanh đã tăng lên một cách ổn định từ tháng 5, khi các nhà điều hành bắt đầu tin rằng, điều tồi tệ nhất có thể đã qua đi. Chỉ số tâm lý kinh doanh của Ủy ban châu Âu trong tháng 7 cũng đã tăng lên mức 92,5 từ mức 91,3 của tháng 6.

Tuy nhiên, tâm lý kinh doanh còn mong manh. Các nền kinh tế như Pháp và Tây Ban Nha chỉ cải thiện không đáng kể. Tại Hà Lan, nền kinh tế lớn thứ 5 eurozone, nơi các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt với sự phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng, giới quản lý doanh nghiệp đang trở nên ít tin tưởng hơn.

“Mặc dù sự năng động đang được cải thiện, song hoạt động kinh doanh ở nhiều quốc gia vẫn rất trì trệ, thậm chí còn yên ắng hơn cả trước khủng khoảng”, Clemente De Lucia, kinh tế gia của BNP Paribas nói. “Sự phục hồi vẫn cần một liều kích thích… đủ đô nữa để có thể bứt lên”.

 

Tín dụng doanh nghiệp

Ngân hàng, nguồn tài trợ chính cho các doanh nghiệp châu Âu, tiếp tục thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay trong quý II/2013, do lo ngại rủi ro, theo khảo sát hàng quý của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Chi phí đi vay của các công ty đặt tại khu vực ngoại vi eurozone đã giảm nhẹ trong năm nay, theo Commerzbank. Điều này giúp cung cấp tiền rẻ hơn cho Ý và Tây Ban Nha, những nước trước đó phải chịu những mức lãi suất cao kỷ lục so với các thành viên cùng khu vực như Đức, Phần Lan và Hà Lan.

Tuy vậy, chi phí đi vay ở các nước ngoại vi vẫn cao hơn nhiều so với Đức.

“Lo lắng về triển vọng kinh tế vẫn đang thúc đẩy các điều kiện tín dụng thắt chặt ở hầu hết quốc gia thuộc eurozone”, Ricardo Santos, nhà kinh tế của BNP Paribas nói.

 

Tài chính công

Một vài nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro co thể được lợi từ sự giảm bớt những tác động của chính sách tài khóa thắt chặt. Bồ Đào Nha và Pháp đã có thêm thời gian để giảm mức thâm hụt ngân sách về giới hạn 3% của EU. Ý đã tiến hành các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế của mình - bao gồm việc thanh toán hàng chục tỷ euro nợ cũ cho các doanh nghiệp - đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách về 2,9% trong năm nay.

“Công cụ giám sát nợ của chúng tôi cho thấy rằng, một vài nước đã giảm được mức thâm hụt nhờ chính sách thắt lưng buộc bụng trong những tháng đầu năm nay”, Ulrike Rondorf và Marco Wagner, hai nhà kinh tế của Commerzbank nói.