Tăng trưởng yếu, các chỉ số chính quay đầu giảm và xu hướng lợi nhuận thấp kéo dài có nghĩa cổ phiếu châu Âu thực chất đang suy giảm tương đối so với cổ phiếu Mỹ, dù giá không hề rẻ. Một cú sốc giảm đối với tăng trưởng của châu Âu hay một cú sốc tăng đối với lãi suất của Mỹ đều có thể nới rộng khoảng cách lãi suất giữa các nước, làm tổn thương các ngân hàng và đưa khu vực trở lại với chu kỳ khủng hoảng quen thuộc.
“Châu Âu cần có ngay các chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng danh nghĩa. Nhật Bản, trong trường hợp này, là một ví dụ để tham khảo”, Trevor Greetham, Trưởng bộ phận đầu tư chiến lược ở Fidelity Worldwide Investments, nhận định. Theo đó, “có lẽ châu Âu sẽ phải dùng đến công thức bao gồm cải cách cơ cấu quyết liệt, nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ và mở rộng tài khóa liên tục, nhằm tăng kỳ vọng lạm phát”.
Hai năm trước, khi khu vực đồng euro còn trong khủng hoảng, chỉ với 3 từ kể trên, ông Draghi đã chặn đứng được vòng xoáy đi xuống. Những ai còn nhớ giai đoạn hội tụ thương mại những năm cuối thập kỷ 1990 sẽ thấy nhiều điều lặp lại, như chênh lệch lợi suất trái phiếu 10 năm giữa Pháp, Ý và Tây Ban Nha so với Đức giảm mạnh từ mức 4 điểm phần trăm xuống còn dưới 1 điểm phần trăm. Các thị trường vốn mở cửa trở lại, bảng cân đối của các ngân hàng được cải thiện và tăng trưởng kinh tế hồi sinh. Đã có lúc, đồng euro tăng đến 15% so với đồng đô la và các nhà đầu tư thậm chí còn dự đoán cổ phiếu châu Âu sẽ tăng giá mạnh hơn cổ phiếu Mỹ chừng 25%.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, câu thần chú của ông Draghi đã mất dần hiệu nghiệm. Các chỉ số chính của châu Âu đều yếu. Pháp đì đẹt, Ý rơi lại suy thoái và xung đột ở Ukraine làm tổn thương niềm tin kinh doanh ở Đức.
Một cú sốc như đã đề cập có thể khiến nhiều nền kinh tế rơi trở lại suy thoái, khi các nước này hiện đang bên bờ giảm phát. Tệ hơn nữa, suy yếu kinh tế sẽ dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, trong khi một hành vi ngược lại mới là cần thiết. Châu Âu cần khẩn cấp thực thi các chính sách thúc đẩy tăng trưởng danh nghĩa, đặc biệt ở khu vực miền Nam nợ nần. ECB đã “bắn phát súng” cuối cùng về lãi suất và các chính sách khác của Ngân hàng có thể thất bại trong việc vươn tới các doanh nghiệp nhỏ cũng như thị trường địa ốc.
Chính sách kinh tế Abenomics của Nhật Bản đã được thiết kế để giải quyết đúng tình huống này. Nó đặt ra yêu cầu cải cách cơ cấu quyết liệt trong bối cảnh phải duy trì nới lỏng định lượng và tài khóa để nâng kỳ vọng lạm phát và giữ chúng ở mức cao. Đây là công việc khó khăn với Nhật và cũng là một nhiệm vụ khổng lồ đối với châu Âu.
Cải cách cơ cấu đòi hỏi thời gian và một mức độ cam kết về mặt chính trị, điều rất khó duy trì ở một số nước ngoại vi châu Âu. Trách nhiệm chính trị nặng nề vì thế thuộc về các nước lõi của khu vực. Khả năng mở rộng tài khóa nằm duy nhất ở Đức, nhưng Berlin dường như không hiểu rõ vai trò chủ cốt của mình.
Lạm phát ở Đức đang ở mức dưới 1%, trong khi nó cần đạt từ 3% đến 4% nếu phần còn lại của châu Âu lấy lại tính cạnh tranh mà không phải giảm giá hay tiền công danh nghĩa. Đã đến lúc bỏ qua vấn đề cân bằng ngân sách và tập trung vào tăng trưởng.
Trong dài hạn, một đồng tiền chung cần một chính phủ chung với trách nhiệm giải trình và một thể chế dân chủ để thực hiện phân bổ tài khóa. Phải mất 85 năm kể từ khi nước Mỹ hình thành cho đến khi nước này thiết lập được một nền tài khóa và tiền tệ thống nhất, và phải cần đến một cuộc nội chiến để vượt qua những phản đối về một ngân sách chung, với việc cho ra đời đồng bạc xanh của Abraham Lincoln.
Châu Âu đang bắt đầu từ một thái cực khác, với đồng tiền chung ra đời trước. Liên minh chính trị và tài khóa vẫn chưa kết thúc các vấn đề nghị sự. Những căng thẳng với Nga có thể kích thích tinh thần “đồng chí”, nhưng châu Âu vẫn chưa xác định được điểm gắn kết.
Thế hệ các nhà đầu tư hiện tại có thể sẽ chứng kiến cuộc khủng hoảng đồng euro đến rồi đi vài lần. Khu vực đồng tiền chung không phải là không thể bị tấn công, trong khi chia rẽ bên trong vẫn còn. Và một lần nữa, với việc tăng trưởng giảm trở lại, đã đến lúc lôi ra dùng lại gói chính sách khủng hoảng.