Tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam và công bố Sách Trắng lần thứ 12, EuroCham ghi nhận những biện pháp hiệu quả Việt Nam đã áp dụng để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 lên hoạt động đầu tư, kinh doanh, nhưng cũng cho rằng còn nhiều biện pháp có thể áp dụng ngay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Trước tiên là việc đảm bảo các chính sách hỗ trợ được áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo EuroCham, Việt Nam không chỉ cần bảo vệ các doanh nghiệp nội địa, mà còn cần hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài - nhân tố có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế nước nhà, đặc biệt là xuất khẩu khi dịch bệnh được kiểm soát và thương mại toàn cầu trở lại bình thường.
Điều này cũng đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại mà Việt Nam đã là thành viên hoặc sớm đưa vào triển khai trong thời gian tới, trong đó có EVFTA.
Tiếp theo là tăng cường các gói cứu trợ và kích thích kinh tế. EuroCham cho rằng, sự chia sẻ về tài chính từ Chính phủ dù ở mức độ nào trong phạm vi ngân sách và cân đối với ổn định kinh tế vĩ mô đều rất cần thiết.
Thực tế, đại dịch Covid-19 đã tác động tới hầu hết lĩnh vực, ngành nghề, nên điều quan trọng là gói cứu trợ không nhất thiết phải giới hạn trong một nhóm nhỏ các ngành công nghiệp ưu tiên. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng sẽ giúp lan tỏa sự sẻ chia và tác động đến toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.
Cụ thể, EuroCham đề xuất trong năm tài chính 2020, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng, thay vì giới hạn trong nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, lý do là thực tế rất nhiều doanh nghiệp lớn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho toàn bộ người nộp thuế ở Việt Nam; giảm 50% thuế giá trị gia tăng để kích cầu và tiêu thụ, hỗ trợ nền kinh tế và toàn xã hội phục hồi; giảm 50% khoản đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng.
“Chúng tôi ghi nhận Chính phủ đã cân nhắc các đề xuất thông qua việc ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, trong đó giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải ngừng sản xuất - kinh doanh do ảnh hưởng của dịch (trong dự thảo ban đầu là 30% cho 6 tháng), cùng các chính sách hỗ trợ khác. Tuy nhiên, chúng tôi xin giữ nguyên các đề xuất về việc mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, cụ thể là các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng để kích cầu và hỗ trợ phục hồi kinh tế”, EuroCham khuyến nghị.
Tiếp nối gói cứu trợ này, EuroCham đề nghị có thêm các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế hồi phục sau khủng hoảng, bao gồm khu vực tư nhân.
Theo tổ chức này, phạm vi cứu trợ rộng rãi sẽ góp phần giữ chân lực lượng lao động trên quy mô lớn và thực tế cũng cho thấy gia tăng số lượng người lao động sẽ góp phần kích cầu kinh tế trong nước.
Những phản hồi nhanh chóng, chủ động và việc triển khai hiệu quả các chính sách nêu trên sẽ giúp duy trì và thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn, cũng như tạo điều kiện tái định vị nền kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hậu Covid-19.
Tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết, từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa ước tính khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện và dịch vụ công qua triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, đến nay đã tích hợp, cung cấp 725 dịch vụ công trực tuyến (tăng 90 lần so với thời điểm khai trương và 4,5 lần so với 3 tháng trước). Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.