4 tháng đầu năm xuất khẩu hạt điều đạt 137 nghìn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tính từ đầu năm tới hết tháng 4, xuất khẩu hạt điều đạt 137 nghìn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 36,8%, 11,9% và 6,9% tổng giá trị xuất khẩu.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm đạt 7.044 USD/tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, hiện tại, thị trường điều thế giới chịu tác động mạnh của dịch Covid-19. Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng của giá điều thô giảm nhưng Việt Nam đang có lợi thế trong xuất khẩu điều nhân khi Ấn Độ thực hiện chính sách cách ly xã hội. Người mua điều nhân trên thế giới dự báo sẽ có xu hướng chuyển sang thu mua điều nhân của Việt Nam.
Top 3 thị trường lơn nhất là Trung Quốc, đã mở cửa thông quan hàng hóa trở lại với các biện pháp quản lý để phòng chống dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu biên giới. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc thiết lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu theo "luồng xanh" trong đó có hạt điều, được hưởng quy chế ưu tiên miễn kiểm tra để giảm thời gian thông quan qua cửa khẩu. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất khẩu hàng hoá nông sản sang nước này trong thời gian tới.
Một tín hiệu tích cực khác cho ngành điều Việt Nam là tại EU, các nhà nhập khẩu đang có nhu cầu cao mua hàng để dự trữ vì lo lắng đại dịch Covid-19 lan rộng ở châu Phi sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung điều thô cho Việt Nam và Ấn Độ.
Dự báo, giá và lượng xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước EU tăng nhu cầu dự trữ điều. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dần phục hồi nền kinh tế, tăng cường xuất nhập khẩu khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt.
Dù có một vài tín hiệu khả quan hơn trong thời gian tới, nhưng Hiệp hội Điều Việt Nam vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến điều không nên ký các hợp đồng xa khi chưa mua được điều thô vì sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá có thể tăng trở lại.
Cùng với đó rủi ro sẽ rất cao nếu các nhà chế biến cố gắng mua điều thô từ châu Phi trong khi không có hợp đồng điều nhân hoặc phương án tính toán để bán lại.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại như: Quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và kết thúc…