Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

EU sẽ làm "hết sức mình" để tránh một cuộc xung đột thuế quan leo thang với Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
EU sẵn sàng thảo luận về việc cắt giảm thuế quan đối với ô tô và các mặt hàng khác nhằm tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Phát biểu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ngày 19/2, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic cho biết EU sẵn sàng thảo luận về việc cắt giảm thuế quan đối với ô tô và các mặt hàng khác nhằm tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ông Sefcovic đang có mặt tại Washington để hội đàm với nhóm thương mại của Tổng thống Donald Trump và sẽ gặp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick, cùng với người được ông Trump đề cử vào vị trí Đại diện Thương mại Mỹ - ông Jamieson Greer, và cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ là ông Kevin Hassett vào ngày 19/2.

Ông Sefcovic cho biết EU sẽ làm "hết sức mình" để tránh một cuộc xung đột thuế quan leo thang. Ông nói thêm rằng nếu Mỹ hành động theo đúng lời đe dọa của ông Trump, "chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả một cách kiên quyết và nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng tránh được kịch bản này, tức là tránh được những thiệt hại không đáng có từ thuế quan và các biện pháp đối phó".

Tổng thống Trump cũng đề cập đến việc tăng thuế đối với ô tô, đặc biệt nhắm vào châu Âu. Ông yêu cầu EU giảm thuế đối với ô tô Mỹ, hiện ở mức 10%, cao hơn mức thuế 2,5% tại Mỹ. Tuy nhiên, việc giảm thuế như vậy với Mỹ sẽ buộc EU phải giảm thuế cho tất cả các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trừ khi việc giảm thuế nằm trong một hiệp định thương mại chính thức.

Ngày 18/2, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, cho biết khối này chưa đưa ra bất kỳ đề nghị cụ thể nào về việc giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ.

Ông Sefcovic cũng cho biết EU sẵn sàng thảo luận với Mỹ về vấn đề "công nghệ lớn", đồng thời cho biết thêm rằng các quy định của EU nhằm mục đích bảo vệ các công ty nhỏ trước các công ty lớn nhất, chứ không phải nhắm vào các công ty Mỹ. Trước những phàn nàn từ các quan chức trong chính quyền của ông Trump rằng các công ty công nghệ Mỹ bị đối xử bất công ở châu Âu, ông Sefcovic khẳng định: “Các quy tắc của EU thực sự không mang tính phân biệt đối xử, chúng không nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ".

Như một động thái nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại, EU đã đề xuất có thể mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và vũ khí từ Mỹ. Nhưng nếu các cuộc đàm phán thất bại, khối này đã chuẩn bị để trả đũa một cách nhanh chóng và tương xứng với bất kỳ mức thuế quan nào của Mỹ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ARD, báo hiệu rằng châu Âu có thể áp dụng lại các loại thuế quan mà họ đã áp dụng với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi ông áp thuế đối với gần 7 tỷ USD thép và nhôm xuất khẩu của châu Âu. Khi đó, EU đã đáp trả bằng cách nhắm vào các công ty nhạy cảm về mặt chính trị như xe máy Harley-Davidson Inc. và quần jeans Levi Strauss & Co. Sau đó, hai bên đã đạt được thỏa thuận “ngừng bắn” vào năm 2021, khi Mỹ áp dụng một hệ thống hạn ngạch thuế quan trong khi EU đóng băng tất cả các biện pháp hạn chế của mình.

Tin bài liên quan