Vắcxin ngừa COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Rockville, Maryland, Mỹ, ngày 20/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Thời gian qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã không ngừng nỗ lực nhằm cụ thể hóa chiến lược đảm bảo nguồn cung vắcxin chống COVID-19 cho công dân châu Âu.
EC hiện đã thương lượng sơ bộ với các hãng dược phẩm Sanofi-GSK, Johnson&Johnson et Curevac và Moderna.
Đặc biệt, EC đã đạt được một thỏa thuận cung cấp vắcxin với hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca.
Theo EC, hiện nay trên thế giới có hơn 165 loại vắcxin phòng COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển và 32 loại vắcxin đang được thử nghiệm trên người.
Theo thống kê mới nhất của giới khoa học châu Âu, hiện có 7 loại vắcxin đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3, tức giai đoạn cuối trước khi được thương mại hóa.
Vắcxin được đánh giá cao và có triển vọng nhất trong số này là vắcxin ChAdOx1 nCoV-19 do đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca cùng nghiên cứu và phát triển.
Theo các chuyên gia y tế châu Âu, miễn dịch cộng đồng là điều xa vời, chính vì vậy, điều chế vắcxin chống COVID-19 chính là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.
EC hiện đã đạt được thỏa thuận với Sanofi-GSK để có được 300 triệu liều vắcxin khi vắcxin phòng COVID-19 của hãng này chứng minh được hiệu quả và đảm bảo an toàn.
Tương tự, EU cũng đã có được nguồn cung vắcxin từ Johnson&Johnson với 200 triệu liều và có thể bổ sung thêm 200 triệu liều nữa, với CureVac là 225 triệu liều, Moderna là 80 triệu liều.
Đặc biệt, EU kỳ vọng vào nhiều vào vắcxin của AstraZeneca với thỏa thuận cung cấp 300 triệu liều và lựa chọn bổ sung thêm 100 triệu liều nữa.