Nhóm chuyên gia dưới sự chỉ đạo của Tổng giám đốc Ngân hàng trung ương Phần Lan, ông Erkki Liikanen muốn rằng, các ngân hàng lớn sẽ tách các ngân hàng đầu tư rủi ro khỏi hoạt động cho vay bình thường. Như vậy, các tổ chức tài chính khổng lồ như Ngân hàng Đức (Deutsche Bank) sẽ bước vào thời kỳ cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch này chưa được thực hiện.
Một nhóm chuyên gia cấp cao của EU có kế hoạch tách các ngân hàng thành những thực thể riêng lẻ để bảo vệ những người nộp thuế nếu lại xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính. Một Ủy ban được Ủy viên EU Michel Barnier lập ra dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Ngân hàng trung ương Phần Lan yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện nghiêm ngặt việc tách các hoạt động kinh doanh đặc biệt rủi ro khỏi các tài khoản hoặc các khoản vay tín dụng của các khách hàng bình thường, nếu hoạt động giao dịch thương mại vượt quá 15% tài sản của họ hoặc chi nhánh ngân hàng đầu tư có giá trị tài sản hơn 100 tỷ euro. Các thực thể ngân hàng sẽ tách biệt về mặt pháp lý và tổ chức, nhưng có thể nằm dưới sự bảo trợ chung của tổ chức đang nắm giữ.
Trong báo cáo nêu rõ: “Các ngân hàng nhỏ nhất sẽ được loại trừ hoàn toàn khỏi yêu cầu phải tách ra”. Như vậy thì các ngân hàng nhỏ ở địa phương không bị quá tải và các khoản tiết kiệm của khách hàng được bảo vệ.
Theo kế hoạch của ông Liikanen, các khoản đầu cơ chứng khoán và giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng với khách hàng cũng như cho vay đối với các quỹ đầu cơ và các “con bạc” khác sẽ tách khỏi các tài khoản bình thường và các khoản vay vốn của công ty một cách thật minh bạch, giống như dạng một bức tường lửa ngăn cách giữa các ngân hàng đầu tư rủi ro và các hoạt động tín dụng và tiền gửi.
“Chúng ta phải ra khỏi một hệ thống, trong đó, lợi nhuận tư nhân và thiệt hại là công khai và giải phóng gánh nặng cho người nộp thuế”, ông Liikanen nói:
Cùng với việc bóc hoạt động rủi ro cao khỏi các hoạt động tín dụng thông thường, việc tăng vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng cũng đã được ráo riết thực hiện trong thời gian qua, nhằm tăng sức đề kháng cho hệ thống ngân hàng châu Âu.
Gần một năm trước, một số ngân hàng lớn ở châu Âu đã không vượt qua được đợt kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan giám sát ngân hàng châu Âu (EBA). Nhưng hiện giờ, EBA xác nhận, hầu hết các ngân hàng đã đủ lượng vốn riêng để có thể vượt qua được khủng hoảng, nếu nó lại xảy ra. Chỉ có 4 ngân hàng còn thiếu vốn riêng. Các ngân hàng châu Âu trong những tháng qua đã lo được hơn 200 tỷ euro tiền vốn mới để bảo đảm chống lại khủng hoảng một cách tốt hơn.
Năm ngoái, EBA đã tiến hành kiểm tra đối với 71 ngân hàng. Khi đó, các ngân hàng thiếu khoản vốn dự trữ là 114,7 tỷ euro để đáp ứng tỷ lệ vốn tự có theo yêu cầu là 9% tổng tài sản rủi ro. Riêng các ngân hàng Đức thiếu 12,9 tỷ euro.
Theo EBA, tính đến tháng 6/2012, lượng vốn được bơm cho các ngân hàng lớn tổng cộng là 116 tỷ euro, chỉ còn 4 ngân hàng chưa đủ lượng vốn riêng 9% theo giới hạn yêu cầu là 1 ngân hàng của Italia, 1 ngân hàng của Slôvenia và 2 ngân hàng của Hy Lạp, thiếu tổng cộng 3,7 tỷ euro.
Ngân hàng trung ương Đức tuyên bố, tất cả 12 ngân hàng được kiểm tra đã đáp ứng các yêu cầu của EBA. Với tỷ lệ trung bình 10,7%, tất cả các ngân hàng lớn đều vượt mức yêu cầu về vốn tối thiểu của EBA là 15,5 tỷ euro. 5 ngân hàng năm ngoái có nhu cầu vốn tối thiểu là 13 tỷ euro, nay đã được đáp ứng và hiện đã có 9,6 tỷ euro cao hơn mức yêu cầu.
Hai ngân hàng lớn nhất của Áo là Raiffeisen (RCB) và Erste Group cũng đã vượt qua được cuộc kiểm tra mà không có bất kỳ vấn đề gì. Cuối tháng 6, RCB có vốn cơ bản riêng đạt 10% và Erste Group là 9,9%. Đây là hai ngân hàng duy nhất ở Áo vượt qua được kỳ kiểm tra của EBA.
Chủ tịch EBA, Andrea Enria thừa nhận, các ngân hàng châu Âu đã có “bước tiến bộ đáng kể” trong việc tăng cường dự trữ vốn của họ. Các ngân hàng giờ đây có khả năng cung cấp tiền tốt hơn cho nền kinh tế, nhưng phải tiếp tục thực hiện con đường đã được mở ra. EBA nhấn mạnh sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn tự có quy định ở mức tối thiểu 9% tổng tài sản rủi ro. Một số ngân hàng đòi thay đổi và lập luận rằng, các yêu cầu đó gây khó khăn trong việc cho vay vốn đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình.