Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ôtô ở San Cesario sul Panaro, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại về Italy chậm trễ trong việc thực hiện cải cách theo kế hoạch phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo một báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của EU, công bố ngày 24/5 thì Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của EU và là một trong những quốc gia có mức nợ công cao nhất, là nước hưởng lợi chính theo gói phục hồi sau đại dịch COVID-19 trị giá 800 tỷ euro (860 tỷ USD) của khối.
Cụ thể, khoảng 68,9 tỷ euro tài trợ và 122,6 tỷ euro cho vay được dành cho Italy như một phần của gói kích thích lớn nhất từ trước đến nay của châu Âu, được gọi là NextGenerationEU. Đổi lại, Italy đã đồng ý với một thời gian biểu để thực hiện các cải cách kinh tế.
Trong tuyên bố ngày 24/5, EC đã khuyến nghị các quốc gia thành viên và kêu gọi Italy nhanh chóng có hành động để giải quyết mọi vấn đề liên quan.
Theo đánh giá của EC, Italy vẫn đang thực hiện kế hoạch phục hồi song nguy cơ chậm trễ ngày càng tăng.
Cơ quan này nhấn mạnh việc đẩy nhanh tốc độ thực hiện kế hoạch cải cách là cần thiết do tính chất của kế hoạch phục hồi cho đến năm 2026 của khối.
Brussels đến nay đã giải ngân 42 tỷ euro cho Italy, nhưng vào tháng Ba năm nay, EU đã đóng băng khoản thanh toán lần thứ 3 được ấn định thời gian trị giá 19 tỷ euro, trong khi chờ Italy làm rõ kế hoạch của mình.
Mục đích ban đầu gói hỗ trợ của Brussels là thúc đẩy quá trình chuyển đổi của châu Âu sang nền kinh tế xanh hơn và số hóa nền kinh tế, cũng như cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt.
Tuy nhiên, một số dự án mà Italy dự định sử dụng số tiền này đã khiến Brussels lo ngại, bao gồm cả việc cải tạo một sân bóng đá ở Florence.