Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 23/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Milan, Italy ngày 23/2/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN).

EU kích hoạt cơ chế đẩy nhanh việc ra quyết định ứng phó với COVID-19

Trong một tuyên bố đưa ra tối 2/3, Hội đồng châu Âu tuyên bố đã nhất trí kích hoạt cơ chế "Ứng phó Khủng hoảng chính trị hợp nhất" (IPCR).

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã thông qua việc áp dụng cơ chế đẩy nhanh quá trình đưa ra quyết định, giúp phối hợp công tác ứng phó dịch bệnh hiệu quả hơn, cũng như cho phép các nước không thuộc khối như Anh có thể tham gia.

Trong một tuyên bố đưa ra tối 2/3, Hội đồng châu Âu tuyên bố đã nhất trí kích hoạt cơ chế "Ứng phó Khủng hoảng chính trị hợp nhất" (IPCR).

Điều này sẽ cho phép EU tập trung vào các lỗ hổng quan trọng trong viêc ứng phó với dịch bệnh, cũng như để Ủy ban châu Âu hỗ trợ đưa ra quyết định nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các nước láng giềng như Anh, Thụy Sĩ, hay các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể được mời tham gia.

ICPR được thiết lập sau sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ năm 2001. Tuy nhiên, quá trình này mới chỉ được kích hoạt một lần nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng người tỵ nạn năm 2015.

Tại Anh, người đứng đầu Cơ quan Y tế Anh Chris Whitty nêu rõ Anh nhiều khả năng sẽ không tiến hành phong tỏa thành phố để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, song chính phủ sẽ không loại trừ bất kỳ phương án nào.

Cho đến nay, Anh đã xác nhận 39 trường hợp nhiễm COVID-19. Để ứng phó với dịch bệnh, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch hành động mới, bao gồm khuyến nghị các doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc tại nhà; khuyến cáo người dân hạn chế đi lại; cân nhắc đóng cửa trường học, hạn chế việc tụ tập đông người.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn tỏ ra lạc quan khi tuyên bố dịch bệnh sẽ không thể ngăn ông chào đón mọi người bằng hành động bắt tay.

Ông khẳng định đã bắt tay tất cả mọi người tại một bệnh viện, nơi các bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang được điều trị.

Trong khi đó, tại Italy, quốc gia hiện đang là tâm dịch COVID-19 ở châu Âu, Trưởng Khoa Truyền nhiễm thuộc Viện Y tế cấp cao của Italy, ông Giovanni Rezza ngày 3/3 cho biết còn quá sớm để khẳng định tình hình lây nhiễm COVID-19 đang “chậm lại” tại nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, trả lời báo Adnkronos của Italy, ông Giovanni Rezza cho rằng cần phải theo dõi cẩn trọng tình hình, đánh giá xem dịch bệnh có lây lan sang các ổ dịch khác không, và tiếp tục duy trì các biện pháp đã được thông qua để ngăn chặn dịch lây lan.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng số ca lây nhiễm trong ngày 2/3 tại Italy là 1.835 trường hợp, chỉ tăng 141 ca so với ngày 1/3.

Bệnh viện đa khoa quân sự Celio tại Rome đã nhận được các bộ gene virus SARS-Cov-2 được phân lập từ bệnh nhân Trung Quốc tại Viện Truyền nhiễm quốc gia Spallanzani và một trường hợp tại vùng Lombardia.

Bệnh viện Celio cho rằng các bộ gene virus SARS-Cov-2 có ý nghĩa quan trọng, cho phép xác định toàn bộ mã thông tin di truyền của virus và theo dõi những thay đổi của virus về không gian và thời gian. Đó là những cơ sở hữu ích để nhận biết và theo dõi dịch bệnh bùng phát.

Tính đến 18 giờ ngày 2/3 (theo giờ địa phương), Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy thông báo tổng số ca dương tính với virus gây bệnh COVID-19 tại Italy là 1.835 trường hợp và 50% số ca nhiễm mới đều không có triệu chứng của bệnh. Theo thống kê, số ca tử vong do COVID-19 tại Italy là 52 người.

Theo thông tin mới nhất của hãng thông tấn ANSA, một phóng viên kênh truyền hình Rai đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang được điều trị tại Bệnh viện truyền nhiễm quốc gia Spallanzani.

Phóng viên này đã tác nghiệp tác tại vùng “vàng” dịch bệnh và không được phép tới cơ quan trong 10 ngày qua.

Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, kênh truyền hình Rai cũng nâng mức cảnh báo đối với các phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực “đỏ và vàng” của vùng dịch, miền Bắc Italy.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, ban tổ chức hội chợ sách tại thành phố Leipzig, miền Đông Đức ngày 3/3 xác nhận sự kiện này sẽ bị hủy.

Năm ngoái, Hội chợ Sách Leipzig đã thu hút 286.000 lượt du khách.

Cùng ngày, Học viện SAR ở New York, Mỹ, đã tuyên bố sẽ đóng cửa trong ngày 3/3 sau khi có một trường hợp được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 tại khu vực này. Lãnh đạo trường khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa.

Nhà trường sẽ giữ liên lạc với Cơ quan Y tế thành phố New York, cũng như tuân thủ các hướng dẫn của nhà chức trách.

Thông báo của Hiệu trưởng khẳng định điều quan trọng lúc này là phải giữ bình tĩnh, đồng thời hối thúc người dân thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng ngừa.

Tin bài liên quan